Không có ai mua cổ phần với giá gấp 13 lần, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank làm ‘liều’
Ông Trần Phương Bình thừa nhận toàn bộ hành vi trong cáo trạng
Chiều ngày 28/11, Tòa án Nhân dân TP HCM tiếp tục xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank - DAB) với phần xét hỏi.
Bị cáo Trần Phương Bình tại phiên xét xử (ảnh: MA). |
Tại phiên tòa, ông Trần Phương Bình xác nhận những số liệu cũng như hành vi, nội dung truy tố trong cáo trạng là phù hợp.
Ông Bình khai làm Ngân hàng Đông Á từ tháng 7/1992. Trước đó ông tham gia thành lập ngân hàng với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng.
“DAB trải qua rất nhiều lần nâng vốn điều lệ, bị cáo này không nhớ rõ bao nhiêu lần tăng vốn, hình như khoảng 39 lần”, bị cáo Bình cho biết.
Cổ đông sáng lập có CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) góp 8 tỷ đồng, Công ty Nhà Phú Nhuận 8 tỷ đồng. Trong đó bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung - là vợ bị cáo.
Việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng dựa vào quyết định của Đại hội đồng cổ đông, sau đó giao cho Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc thực hiện.
Các cổ đông hiện hữu căn cứ cổ phần phát hành, đăng ký mua thêm cổ phần. Ông Bình cho biết, có một số trường hợp cổ phần bán cho người không phải cổ đông hiện hữu.
Ông Bình khai có nhớ rõ quy định của NHNN về tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng nhưng không nhớ năm nào.
Nói về hoàn cảnh của hành vi, ông Bình cho biết, vào đầu năm 2007, DongA Bank có nghị quyết tăng 200 tỉ đồng vốn điều lệ với giá cao gấp 13 lần thị trường nhưng khi thực hiện, Thành ủy TP HCM đã quyết định không mua số cổ phần đó. HĐQT Ngân hàng giao cho ông Bình tìm kiếm người có thể mua cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Bị cáo Bình cho biết đã làm việc với nhiều người nhưng không thể tìm được người mua với giá cao như vây. Bị cáo phải làm việc với hai thành viên HĐQT khác nhờ mua giúp cổ phần.
“Với suy nghĩ không đúng là cần phải tăng vốn để cho thị trường thấy rằng khả năng huy động vốn của ngân hàng Đông Á, và mong muốn tăng trưởng hoạt động tín dụng, bị cáo đã thực hiện hành vi sai trái”, bị cáo Bình nói.
Nguyên Chủ tịch DongA Bank cho biết, số tiền tăng vốn nằm hết ở lượng cổ phần ông và người thân đứng tên tại Ngân hàng.
Cổ tức DongA Bank có năm lên tới 40%
Liên quan đến chia cổ tức tại DongA Bank, theo ông Bình, tùy thời gian và tùy vào quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số tiền chia cổ tức cho cổ đông cũng thay đổi, có năm lên tới 40%, năm thấp nhất 8% (năm 2014).
Số tiền chia cổ tức sẽ được chuyển cho cổ đông thông qua tài khoản thẻ ATM của họ. Ngoại trừ rất ít cổ đông thấy không cần chuyển vào thẻ thì nhận tiền mặt. Ông Bình khai đã nhờ người thân mua cổ phần và nhận cổ tức đều thông qua cách thức như trên.
Che giấu thanh tra NHNN bằng chuyển khoản khống
Bị cáo Bình khai, các hành vi vi phạm của mình đã khiến DongA Bank bị âm quỹ 25.451 tỉ đồng. Từ năm 2014, NHNN thanh tra toàn diện DongA Bank và phát hiện sai phạm.
Theo bị cáo, trước đó, không có hanh tra hoặc thanh tra chỉ một số chi nhánh. Thường thì NHNN báo trước vài ngày để DongA Bank chuẩn bị nội dung cho việc thanh tra.
Khi nhận được văn bản đó, nếu thấy có nội dung liên quan hoạt động ngân quỹ thì bị cáo Bình sẽ chỉ đạo các nhân viên liên quan bằng mọi cách che giấu. Đó là điều chuyển khoản khống tới các chi nhánh khác mà NHNN không thanh tra.
Khi HĐXX hỏi bị cáo về thanh tra NHNN đã làm tròn trách nhiệm chưa, ông Bình không có ý kiến.