Kí khống chứng từ nộp tiền, nguyên Chủ tịch DongA Bank Trần Phương Bình chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của ngân hàng
Chiều ngày 27/11, Tòa án Nhân dân TP HCM tiếp tục xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank - DAB).
Theo cáo trạng, với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongA Bank, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt gần 2.000 tỉ đồng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 1.551 tỉ đồng, tổng cộng gây thiệt hại cho DongA Bank 3.608 tỉ đồng.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến DongA Bank lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỉ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2015.
Ông Trần Phương Bình, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongA Bank. (Ảnh MA) |
Nhiều lần ký khống chứng từ nộp tiền để chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của DongA Bank
Cụ thể, để có tiền mua cổ phần của DongA Bank vào năm 2007, ông Bình đã chỉ đạo cho Nguyễn Đức Vinh (nguyên trưởng phòng ngân quỹ, thủ quỹ DongA Bank) lập chứng từ thu khống 374,5 tỉ đồng để ông Bình mua hơn 5 triệu cổ phần của DongA Bank đứng tên ông Bình và những người thân trong gia đình.
Trong đó, ông Bình là người trực tiếp ký thay chứng từ nộp khống số tiền 142 tỉ đồng cho những người thân này.
Cuối năm 2007, ông Bình tiếp tục chỉ đạo Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) để bán cho các tiệm vàng nhằm bù đắp cho khoản âm quỹ 374 tỉ đồng. Sau đó, ông Bình chuyển số cổ phần đã mua cho một số tổ chức và cá nhân khác. Đến nay ông Bình không nhớ đã sử dụng tiền bán cổ phần vào việc gì.
Năm 2008, ông Trần Phương Bình mua lại 5.750.000 cổ phần DongA Bank của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Lộc Việt (Công ty quỹ Lộc Việt) với giá 327,8 tỉ đồng. Để có tiền mua cổ phần, ông Bình chỉ đạo thu khống 30,25 tỉ đồng của bà Nguyễn Hồng Ánh, sử dụng 121 tỉ đồng tiền bán chung cư cao cấp Dự án Richland Hill, cho vay hai công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam 197 tỉ đồng.
Ngoài thanh toán cho Công ty quỹ Lộc Việt tổng số gần 327,8 tỉ đồng tiền mua cổ phần, ông sử dụng 20 tỉ đồng để mở tài khoản kinh doanh vàng cho PNJ và Công ty TNHH Tân Vạn Hưng, còn lại gần 495,7 triệu đồng được dùng vào công việc chung.
Sau đó, ông Bình chỉ đạo Phòng ngân quỹ Hội sở và DongA Bank Sở giao dịch lập chứng từ thu khống 203,8 tỉ đồng để trả 195,7 tỉ đồng tiền gốc và 8,15 tỉ đồng tiền lãi cho khoản vay của Công ty Ninh Thịnh và Công ty Sao Việt Nam. Từ việc thực hiện các hành vi nêu trên, ông Bình đã chiếm đoạt khoảng 234 tỉ đồng của DongA Bank.
Theo cơ quan điều tra, ông Trần Phương Bình đã có 9 lần chỉ đạo xuất chi tiền sai nguyên tắc để mua cổ phần, chiếm đoạt tiền của DongA Bank rồi mua cổ phần của chính DongA Bank.
Sau khi mua được hơn 74 triệu cổ phần của DongA Bank, năm 2015 ông Bình chỉ đạo bán đi 13,6 triệu cổ phần cho Công ty CP Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") với số tiền 136 tỉ đồng, ông Vũ mới chỉ trả được 46 tỉ đồng, còn 90 tỉ đồng đến nay chưa trả. Gần 61 triệu cổ phần còn lại, ông Bình và người thân đứng tên sở hữu, đã bị cơ quan cảnh sát điều tra kê biên toàn bộ vào tháng 3/2018.
Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập khống 200 tỉ đồng để giúp bị cáo Phan Văn Anh Vũ mua cổ phần của DongA Bank. Ông Trần Phương Bình còn nhiều lần đưa cho ông Vũ hàng chục triệu USD, gây thiệt hại cho DongA Bank hơn 290 tỉ đồng.
Nhiều lần đưa USD cho Vũ "nhôm", tổng số tiền khoảng 13,4 triệu USD
Theo lời khai của Vũ "nhôm" và ông Bình, mỗi khi cần USD thì Vũ lại gọi điện thoại cho ông Bình nhờ mua giúp hoặc vay của ông Bình.
Tổng cộng ông Bình đã trực tiếp đưa cho Vũ "nhôm" 8 lần tại phòng làm việc và 1 lần nhờ nhân viên đưa cho Vũ, với tổng số tiền là 13,4 triệu USD.
Những khoản tiền dùng để mua số USD này, ông Bình chỉ đạo nhân viên để ngoài sổ sách. Tuy nhiên đến nay Vũ "nhôm" vẫn chưa trả lại cho ông Bình số tiền này và bản thân Vũ cũng không nhớ đã sử dụng 13,4 triệu USD vào việc gì.