Vntrip lỗ trăm tỷ đồng vẫn được định giá nghìn tỷ: Chuyện chỉ lạ với người ngoài cuộc
Vntrip.vn lỗ cả trăm tỷ đồng vẫn được định giá 45 triệu USD |
Sự xuất hiện của những cái tên như Travelocity, Expedia, ITA Software, "Name your own" hồi thập niên 90 khởi nguồn cho một khái niệm hoàn toàn mới - OTA (Online Travel Agency).
Internet chưa phổ biến vào giai đoạn ấy. Hơn nữa, người ta cho rằng nhờ một bên trung gian liên hệ với khách sạn là việc ngớ ngẩn. Chẳng mấy ai quan tâm đến ý tưởng này.
Rồi thời thế thay đổi, Expedia "bé nhỏ" ngày nào mà Microsoft bán nay trở thành một trong những dịch vụ du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới, giá trị hàng tỷ USD. Một loạt OTA xuất hiện với doanh thu khổng lồ. Priceline thu về hơn 12 tỷ USD trong năm 2017, Expedia đạt 10 tỷ USD và Ctrip với doanh thu 4 tỷ USD...
Xuất hiện gần 30 năm, OTA trở thành cụm từ quen thuộc khi người ta nói về đại lý bán sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua kênh trực tuyến như chỗ ở, di chuyển và tour du lịch, dịch vụ ăn và chơi.
Với sự gia nhập của Agoda từ năm 2010, thị trường OTA Việt Nam trở nên sôi động và trở thành sân chơi chính cho các "gã khổng lồ" ngoại quốc như Expedia hay Booking, Agoda thuộc Tập đoàn Priceline...
Các dịch vụ đặt phòng trực tuyến và/đặt vé máy bay của người Việt như ivivu.com, chudu24.com, Vntrip.vn, gotadi.com ...vẫn chưa thực sự chứng tỏ được vị thế của họ.
Mới đây, Vntrip - một trong những OTA nội địa - nhận vốn đầu tư từ quỹ IHAG Holdings (Thuỵ Điển) với mức định giá 45 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng), ngang ngửa với giá trị của công ty thương mại điện tử Tiki cách đây hai năm. Vntrip có gì để trở thành một start-up "đắt giá" như vậy?
Ngành OTA - "mỏ vàng" để các nhà đầu tư rót tiền
Đầu tiên, OTA tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thực sự là "mỏ vàng" để các nhà đầu tư rót tiền vào.
Nghiên cứu của Google và Temasek về nền kinh tế Internet Đông Nam Á cho thấy, du lịch trực tuyến đứng thứ ba về tốc độ tăng trưởng và đóng góp doanh thu 26,6 tỷ USD vào năm 2017, nhờ sự tăng trưởng trong hoạt động đặt vé máy bay và đặt khách sạn trực tuyến. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) từ 2015 – 2025 đạt 15%/năm. Tỷ lệ này với thương mại điện tử là 32% và với quảng cáo trực tuyến là 18%.
Riêng thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam (cả đặt phòng khách sạn và vé máy bay) đạt 2,2 tỷ USD vào năm 2015 và dự báo sẽ cán mốc 9 tỷ USD vào năm 2025.
Bên cạnh đó, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng ngành du lịch trực tuyến của Việt Nam năm 2017 đạt 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử.
Đó là lý do giới đầu tư săn lùng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hết sức "màu mỡ" này.
Doanh thu, lợi nhuận không phản ánh "tương xứng" giá trị công ty
Không bàn đến yếu tố ngành, dựa trên các con số kết quả kinh doanh của Vntrip, nhiều người cho rằng việc định giá Vntrip với con số 1.000 tỷ đồng là điều "lạ lùng". Doanh thu năm 2017 của Vntrip chưa đến 45 tỷ đồng, doanh nghiệp chịu khoản lỗ luỹ kế sau hai năm hơn 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Thái, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ Vntrip. |
Giám đốc công nghệ của Vntrip, anh Nguyễn Hồng Thái, chia sẻ rằng: “Tôi thấy một số người dựa vào con số kết quả kinh doanh của Vntrip để nhìn nhận về cách định giá công ty. Nhưng những con số đấy không liên quan lắm”.
Anh Thái nói lần rót vốn của IHAG Holdings là vòng sau series B, nên việc định giá Vntrip không đơn thuần dựa vào đội ngũ sáng lập hay tiềm năng startup nữa, mà Vntrip phải chứng minh kết quả và kế hoạch kinh doanh tăng trưởng.
Tuy nhiên, ngoài con số khai báo trên báo cáo tài chính, những phương pháp định giá như bội số doanh thu P/S không phản ánh đúng giá trị một start-up công nghệ nữa.
Bà Bùi Thị Hiền Anh, một chuyên gia phân tích tài chính (chứng chỉ quốc tế CFA) nhận định về việc định giá start-up công nghệ: "Định giá bằng bội số doanh thu sẽ không tạo ra giá trị chính xác. Giới đầu tư mạo hiểm bắt đầu sáng tạo ra các thông số định giá mới mà họ cho rằng phản ánh đúng hơn giá trị của các mô hình kinh doanh đột phá. Ví dụ như giá bằng bội số của số lượng đơn hàng (price to orders) đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử; bội số của số lượng cuốc xe (price to rides) đối với các công ty taxi không sở hữu xe như Uber, Grab; bội số của số lượng người dùng (price to users) đối với các start-up lôi kéo nhiều người dùng, và vô vàn các thông số định giá sáng tạo khác".
Những startup công nghệ với mô hình nền tảng như Uber, Grab, hay Tiki, Lazada ... và cả Vntrip đều phải chịu chi phí lớn ban đầu khi tung ra những chương trình khuyến mãi, trợ giá cho người dùng để tạo lập được quy mô người dùng đủ lớn. Đó gần như là quy luật chung của các doanh nghiệp nền tảng - lỗ và lỗ triền miên.
Nói về câu chuyện định giá, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam từng chia sẻ: "Thị trường OTA vẫn còn mới ở thị trường Việt Nam, và định giá một start-up trong lĩnh vực này là câu chuyện chỉ có những người trong ngành mới thực sự hiểu".
Nền tảng người dùng, vị thế trên thị trường
Năm 2012, Facebook chi một tỷ USD để mua một ứng dụng chia sẻ ảnh ra đời được hai năm là Instagram với 13 nhân viên và không doanh thu. Nhiều người xôn xao và phán xét ông chủ Facebook - Zuckerberg phải chăng đã quá bốc đồng.
Đầu 2018, Grab huy động vốn thành công 2,5 tỷ USD, start-up 6 tuổi này được định giá tới 6 tỷ USD mặc dù lỗ triền miên.
VNG rót vốn vào trang thương mại điện tử Tiki năm 2016, với mức định giá 1.000 tỷ đồng (tương đương 45 triệu USD) vào thời điểm đó. Đến nay, sau 7 năm hoạt động, Tiki lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng.
Bất chấp tình trạng thua lỗ, các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng rót tiền bởi các công ty xây dựng được một nền tảng sở hữu số lượng người tham gia lớn - điều cốt lõi của một doanh nghiệp nền tảng.
Riêng với OTA, một ngành khá mới tại Việt Nam, giới đầu tư nhận định đây là cuộc chơi mà người thắng có tất cả (winner takes all), nên chỉ có một hay hai doanh nghiệp đứng đầu sẽ quyết định cuộc chơi.
Cũng vì thế ngay từ những ngày đầu mới thành lập, nhà sáng lập của Vntrip, ông Lê Đắc Lâm, đã từng chia sẻ: “Thực tế chứng minh ở một số nước như Mỹ, Trung Quốc - chỉ có một hoặc hai công ty thống lĩnh cả thị trường, trong khi các công ty khác phải đóng cửa hoặc bị thâu tóm. Vì thế, để thành công trong lĩnh vực này, cách duy nhất là doanh nghiệp phải làm tốt hơn tất cả đối thủ, nếu không sớm muộn đối thủ sẽ chiếm mất thị phần và về lâu dài đối thủ sẽ đánh bại họ. Tóm lại, về lâu dài, chúng tôi phải là số một”.
Mới đây, sau thương vụ sáp nhập với Atadi - website bán vé rẻ tại Việt Nam vào hệ thống Vntrip, giám đốc công nghệ của Vntrip, ông Nguyễn Hồng Thái cũng đề cập tới câu chuyện này.
Cuộc sáp nhập Atadi, siêu thị bán vé máy bay giá rẻ vào Vntrip. |
Rất nhiều khách sạn khi làm việc với Agoda hay Booking... thường phải cam kết cung cấp mức giá thấp nhất cho họ. Khi họ bán cho những doanh nghiệp OTA khác, mức giá chính thức không thấp hơn mức giá trên Agoda, Booking.
Anh nói: "Trên thực tế, nhiều khách sạn không thực sự chuộng một số đối tượng khách nhất định. Nhưng họ vẫn phải nhận các đối tượng khách ấy khi hợp tác với các hãng lớn. Khi Vntrip đến để hợp tác với khách sạn, họ rất thích nhưng lại không thể cung cấp mức giá thấp hơn Agoda."
Vì vậy để cạnh tranh với những ông lớn về mặt giá cả, hướng đi của Vntrip là kết hợp hai dịch vụ, cung cấp gói combo bao gồm cả dịch vụ đặt phòng và vé máy bay cho khách hàng.
Lúc ấy, mức giá giữa đặt phòng khách sạn và vé máy bay không tách biệt cụ thể, và mức giá combo cả gói dịch vụ sẽ thấp hơn khi đặt lẻ riêng khách sạn và vé máy bay (chủ yếu do giảm giá đặt phòng).
Như vậy, bằng việc sáp nhập với siêu thị vé máy bay giá rẻ Atadi, Vntrip có lợi thế về mặt giá cả để cạnh tranh so với những "ông lớn" hiện nay. Anh tin Vntrip đang nắm vị trí dẫn đầu so với các OTA nội trong hệ thống đặt phòng trực tuyến tại Việt Nam.