|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vntrip.vn lỗ cả trăm tỷ đồng vẫn được định giá 45 triệu USD

17:18 | 22/08/2018
Chia sẻ
Dù Vntrip.vn được đánh giá có tiềm năng phát triển trong một thị trường du lịch tăng trưởng nhanh như Việt Nam nhưng trong những năm đầu hoạt động startup này phải chấp nhận thua lỗ lớn.

Năm 2016, Vntrip.vn, startup hoạt động theo mô hình chuyên đặt phòng khách sạn trực tuyến đã gây tiếng vang lớn khi gọi vốn thành công 3 triệu USD từ nhà đầu tư thiên thần của Alibaba.

Không chỉ gọi được tiền, Vntrip.vn còn tuyên bố bản hợp tác chiến lược với Booking.com để trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam được cấp quyền truy cập vào mạng lưới khách sạn của Booking.com trên toàn thế giới.

Sau khi gọi vốn thành công, công ty nhanh chóng đẩy mạnh phát triển dịch vụ và hoạt động quảng bá. Đơn vị này tự tuyên bố mình là hệ thống website và ứng dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến lớn nhất Việt Nam, với số lượng khách lớn nhất, giá rẻ nhất.

Để thu hút khách hàng, Vntrip.vn cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi cùng các dịch vụ gia tăng đi kèm như đưa đón sân bay miễn phí.

Vntrip cũng cho biết đã tự xây dựng được mạng lưới với trên 11.000 khách sạn trên khắp cả nước sau thời gian hợp tác với Booking.com Expedia.com.

Từ đó đến nay, công ty tiếp tục công bố gọi vốn thành công 2 lần nữa. Giữa năm 2017, công ty này nhận đầu tư 10 triệu USD từ các nhà đầu tư do quỹ Hendale Capital của HongKong dẫn đầu.

Mới đây, Vntrip.vn cho biết mới nhận được vốn đầu tư từ nhà đầu tư Thụy Sỹ IHAG Holding. Số tiền đầu tư không được tiết lộ nhưng công ty cho biết đã được được định giá 45 triệu USD, tương đương gần 1.000 tỷ đồng.

vntripvn lo ca tram ty dong van duoc dinh gia 45 trieu usd
Vntrip.vn thông báo tin vui được định giá 1.000 tỷ đồng trên trang chủ

Trái ngược với mức định giá tăng chóng mặt, hoạt động kinh doanh của Vntrip.vn lại khá khiêm tốn. Kết quả kinh doanh của công ty Vntrip OTA, đơn vị vận hành Vntrip.vn cho thấy, năm 2016 doanh thu chỉ đạt 11 tỷ đồng, đồng thời cũng báo lỗ 31 tỷ đồng.

Chính thức ra mắt vào tháng 7/2016, trong mấy tháng cuối năm chi phí hoạt động của công ty là gần 38 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí bán hàng. Con số này phản ánh việc Vntrip OTA đã phải chi rất nhiều cho các chương trình quảng bá, khuyến mãi để thu hút người dùng.

Tương tự như các startup khác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, Vntrip OTA chấp nhận thua lỗ cho hoạt động chiếm thị phần. Năm 2017, công ty gấp đôi khoản lỗ, lên 71 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bán hàng cũng tăng tương ứng, lên 75 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong chưa tới 2 năm đẩy mạnh hoạt động, Vntrip OTA đã chịu lỗ cả trăm tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của công ty chỉ vào khoảng 134 tỷ đồng.

Các vòng gọi vốn thành công giúp tiền chảy vào Vntrip OTA rất dồi dào. Năm 2017, công ty có khoản thu gần 92 tỷ đồng từ hoạt động phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu. Mới đây công ty Vntrip OTA tiếp tục tăng vốn lên 160 tỷ đồng.

Trên thực tế, việc định giá các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ ít khi dựa trên các chỉ số tài chính như doanh thu, lợi nhuận ngắn hạn mà phụ thuộc nhiều vào đánh giá của nhà đầu tư về quy mô và tiềm năng của thị trường.

Với Vntrip.vn, tiềm năng phát triển của startup này phụ thuộc nhiều vào thị trường du lịch trong nước. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hoạt động du lịch tại Việt Nam phát triển rất tốt trong những năm qua, thể hiện qua lượng khách du lịch cả nội địa và quốc tế tăng trưởng đều đặn.

Riêng quý 1/2018, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2017, khách du lịch nội địa đạt 23,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 161.600 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của Vntrip vẫn phản ánh phần nào mức độ khốc liệt của lĩnh vực ứng dụng gọi phòng khách sạn trực tuyến. Dù đã tiêu tốn cả trăm tỷ đồng để làm thị trường, Vntrip.vn vẫn chưa thể có chỗ đứng vững chắc, trong bối cảnh ngành này tại Việt Nam gần như là sự thống trị của các doanh nghiệp nước ngoài như Agoda, Booking.com, Traveloka, hay Airbnb, với hệ thống dịch vụ toàn cầu.

Xem thêm

Trần Anh

Sóng bộ ba cổ phiếu ‘bank, chứng, thép’ liệu có trở lại?
Giai đoạn gần đây thị trường chứng kiến nhịp tăng giá luân phiên của cổ phiếu ngành ngân hàng và thép. Diễn biến này gợi nhớ câu chuyện bộ ba cổ phiếu ngân hàng, thép và chứng khoán thay nhau dẫn sóng giai đoạn 2021 - 2022. Liệu kịch bản này có lặp lại?