'Virus SARS-CoV-2 ở Mỹ nhiều đến mức khó kiểm soát'
Trong vài ngày gần đây, các cơ quan y tế Mỹ liên tục công bố số ca nhiễm mới COVID-19 cao kỉ lục khi tình hình đại dịch leo thang trên khắp miền Nam và miền Tây đất nước.
Số ca xác nhận dương tính mới trong ngày đã vượt qua số liệu hồi tháng 4, khi đại dịch làm rung chuyển bang Washington và khu vực Đông Bắc nước Mỹ. Tháng 4 cũng là thời điểm mà công chúng nhận định đại dịch đã đạt đỉnh ở Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn cùng Tiến sĩ Howard Bauchner của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, Phó Giám đốc CDC Anne Schuchat cho biết: "Tình hình dịch bệnh tại Mỹ không giống New Zealand, Singapore hay Hàn Quốc".
Bà Schuchat lí giải: "Cả ba nước này đều phát hiện ca bệnh mới nhanh chóng, kiểm tra lịch sử dịch tễ người bệnh và sớm cách li tất cả những người có liên quan. Do đó, các nước có thể kiểm soát tốt dịch bệnh. Hiện nay, có quá nhiều ca dương tính với COVID-19 trên khắp nước Mỹ, tình hình đang rất căng thẳng".
Phó Giám đốc CDC nhận định, mặc dù dịch bệnh ở New Zealand, Hàn Quốc và Singapore có qui mô và diễn biến khác, quan chức y tế ở ba nước hiện đều nhanh chóng ứng phó với từng ca nhiễm mới để dập tắt tàn dư của đại dịch.
Trong khi đó, Mỹ lại trái ngược hoàn toàn khi đến nay vẫn tiếp tục báo cáo hơn 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, bà Schuchat nhấn mạnh.
Theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins tính đến chiều ngày 30/6, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với tổng cộng gần 2,6 triệu ca xác nhận nhiễm và hơn 126.000 ca tử vong.
"Đây thực sự chỉ mới là khởi đầu", bà Schuchat nói về số ca nhiễm mới tăng đột biến trong thời gian gần đây ở Mỹ.
"Tôi nghĩ khá nhiều người dân trên khắp nước Mỹ đang hi vọng rằng mùa hè đã đến, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Chúng ta rồi sẽ vượt qua thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta thậm chí còn chưa bắt đầu kiểm soát dịch bệnh. Trong tuần qua lại xuất hiện thêm nhiều yếu tố đáng lo ngại hơn", vị quan chức y tế cấp cao chia sẻ.
Qua quan sát biểu đồ, có thể thấy các điểm nóng xuất hiện gần như cùng thời điểm với ổ dịch tại Mỹ (chênh lệch chỉ một vài tuần) như Italy, Đức và Tây Ban Nha đều báo cáo số ca nhiễm mới lao dốc kể từ đỉnh dịch hồi tháng 4
Trong khi đó, Mỹ từng ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục vào tháng 4, sau đó chỉ giảm nhẹ rồi đến tháng 6 lại tăng vọt trở lại. Điều này cho thấy đại dịch COVID-19 tại Mỹ vẫn chưa đạt đỉnh.
CNBC dẫn lời bà Schuchat nói tiếp, Mỹ có diện tích rộng lớn và đại dịch đang gây thiệt hại ở nhiều khu vực khác nhau của đất nước, khiến công tác chống dịch trở nên khó khăn và phức tạp hơn so với các nước khác.
Phó Giám đốc CDC nêu ví dụ, Hàn Quốc ban đầu có thể tập trung chiến lược kiểm soát dịch tại thành phố Daegu và sau đó mới nhanh chóng áp dụng phương pháp kiểm tra lịch sử dịch tễ của bệnh nhân khi thủ đô Seoul báo cáo các ca nhiễm mới.
"Diễn biến đại dịch tại Mỹ khó có thể được miêu tả cụ thể vì có nhiều ổ dịch khác nhau trên khắp cả nước", bà Schuchat nói.
"Chúng tôi đã can thiệp nhanh chóng và mạnh mẽ, nhờ đó mới có thể giảm tỉ lệ lây nhiễm ở thành phố New York, khu vực bang Connecticut và New Jersey xuống mức thấp.
Tuy nhiên, ở nhiều khu vực khác, dịch bệnh đang rất căng thẳng. Thậm chí ở nhiều nơi, virus SARS-CoV-2 còn lây nhiễm ở mức độ nghiêm trọng hơn so với trước", bà Schuchat nhấn mạnh.
Theo CNBC, virus SARS-CoV-2 đã chứng minh đây chính là chủng virus mà bà Schuchat và các đồng nghiệp luôn lo sợ sẽ xuất hiện. Bà Schuchat nói thêm rằng virus này dễ dàng lây lan tại Mỹ và trên thực tế dường như không người dân Mỹ nào có khả năng miễn dịch với bệnh.
Với mức độ lây lan hiện nay, bà Schuchat cho biết công chúng Mỹ nên "chuẩn bị tâm lí rằng đại dịch sẽ tiếp tục lan truyền".
Ngoài ra, bà khuyến cáo người dân có thể giúp ngăn chặn đại dịch bằng cách thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, nhưng cũng không nên quá kì vọng vào bất kì phương pháp nào để kiểm soát dịch bệnh cho đến khi có vắc xin.