|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinaconex trích lập 1.213 tỷ đồng phải thu khó đòi, dự án Cái Giá 600 triệu USD không còn trên báo cáo

09:42 | 01/02/2021
Chia sẻ
Năm 2020, Vinaconex lập kỷ lục với khoản lãi sau thuế 1.712 tỷ đồng, tăng trưởng 118% so với năm trước, tuy nhiên phần lớn lợi nhuận đến từ hoạt động chuyển nhượng công ty con và thanh lý tài sản. Đáng chú ý, dự án Cái Giá 600 triệu USD được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cho sự phát triển sắp tới của doanh nghiệp "biến mất" khỏi BCTC sau thương vụ phát hành của VCR.

Vinaconex báo lãi kỷ lục nhờ chuyển nhượng công ty con và thanh lý tài sản, 1.213 tỷ đồng phải thu khó đòi

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý cuối năm 2020 với doanh thu giảm mạnh 48% so với cùng kỳ, còn 1.692 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính tăng 57% trong kỳ lên 140 tỷ đồng kéo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chỉ còn giảm 5%, đạt 262 tỷ đồng. Đồng thời, khoản lãi khác hơn 81 tỷ đồng cũng đóng góp vào lợi nhuận sau thuế, kết quả, lợi nhuận của Vinaconex tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, đạt 261 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2020, Vinaconex ghi nhận doanh thu giảm 42% so với năm trước đó về 5.496 tỷ đồng. 

Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động xây lắp tiếp tục nắm tỷ trọng lớn nhất (53%) trong năm qua đạt 2.894 tỷ đông, giảm mạnh 45%; doanh thu thu từ kinh doanh bất động sản cũng giảm 86% so với năm 2019, còn 285 tỷ đồng; doanh thu từ mảng sản xuất công nghiệp cũng giảm 8% còn 974 tỷ đồng.

Ngược lại, doanh thu từ hoạt động giáo dục và cho thuê, cung cấp dịch vụ lần lượt tăng 11% và 16%, tuy nhiên hai mảng này chỉ chiếm 24% trong tổng doanh thu.

Vinaconex lãi kỷ lục nhờ chuyển nhượng công ty con và thanh lý tài sản, sự 'biến mất' của dự án Cái Giá - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Đáng chú ý, trong năm vừa qua, Vinaconex thu từ chuyển nhượng công ty con và công ty liên doanh, liên kết (trong đó có dự án Splendora) lên tới 2.842 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh thu tài chính của doanh nghiệp tăng đột biến 11 lần, từ 250 tỷ đồng năm 2019 lên 3.062 tỷ đồng năm 2020.

Dù vậy, do phải trích lập 1.213 tỷ đồng phải thu khó đòi, chi phí quản lý trong năm 2020 của Vinaconex cao gấp 3,5 lần năm trước đó, đạt 1.552 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty là 1.712 tỷ đồng, tăng 118% so với năm 2019. Kể từ năm 2017, Vinaconex lần đầu trở lại nhóm doanh nghiệp lãi nghìn tỷ, đồng thời lợi nhuận năm vừa qua cũng là cao nhất trong lịch sử thành lập của doanh nghiệp.

Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá 14.000 tỷ đồng "biến mất" trên báo cáo tài chính

Tổng tài sản của Vinaconex đã tăng 340 tỷ đồng lên 19.659 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Các khoản biến động đáng chú ý trong năm 2020, đơn cử là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng thêm 560 tỷ đồng lên 1.518 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn.

Đầu tư góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết tăng 250 tỷ đồng, chủ yếu đến từ số vốn 193 tỷ đồng công ty rót vào CTCP Đầu tư và phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã: VCR). Đây là chủ đầu tư dự án khu đô thị du lịch Cái Giá có tổng mức đầu tư 600 triệu USD, tương đương khoảng 14.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quý cuối năm 2020, Vinaconex đã bất ngờ giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinaconex ITC từ 53,56% xuống 10,71% vốn điều lệ. Qua đó, các dự án của Vinaconex ITC không được hạch toán vào BCTC của tổng công ty.

Kết quả, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 mà doanh nghiệp công bố không còn sự xuất hiện của dự án Cái Giá. Trong khi đó vào quý III/2020, Vinaconex vẫn hạch toán 275 tỷ đồng giá trị xây dựng cơ bản dở dang và 550 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn tại dự án này.

Trước đó, hồi cuối tháng 12/2020, Vinaconex ITC công bố chào bán riêng lẻ thành công 144 triệu cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược với giá 10.000 đồng/cp, ước tính thu về 1.440 tỷ đồng. Sau phát hành, Vinaconex ITC tăng vốn điều lệ từ 360 tỷ đồng hiện nay lên 1.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gấp 5 lần.

Cũng sau đợt phát hành trên, Vinaconex ITC đã không còn là công ty con của Vinaconex.

Thu Thủy