Vietjet làm ăn ra sao trong quí III khi đại dịch tái bùng phát?
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) mới công bố báo cáo tài chính quí III/2020 cho thấy doanh thu thuần sụt giảm gần 80% so với cùng kì năm ngoái còn 2.809 tỉ đồng. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, Vietjet lỗ gộp 612 tỉ đồng, trong khi quí III/2019 có lãi gộp hơn 2.000 tỉ đồng.
Trong quí II năm nay, Vietjet cũng lỗ gộp nhưng nhờ có doanh thu tài chính cao đột biến gần 2.000 tỉ đồng nên công ty lãi thuần nghìn tỉ.
Tuy nhiên trong quí III vừa qua, công ty không ghi nhận doanh thu tài chính bất thường nên lợi nhuận sau thuế âm 971 tỉ đồng. Quí III năm ngoái, Vietjet có lãi ròng xấp xỉ 1.700 tỉ đồng.
Nói về nguyên nhân chuyển từ lãi cùng kì năm trước sang lỗ kì này, bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho biết đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp lên ngành hàng không toàn cầu, khiến nhu cầu đi lại khắp thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Sau khi được phép bay trở lại sau sau dịch đợt đầu, toàn mạng bay Vietjet đã vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách trong quí III/2020. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vietjet đã vận chuyển hơn 10 triệu lượt khách.
Công ty cũng đã mở mới 8 đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân và du khách, đưa mạng bay nội địa lên 52 đường bay. Thị trường nội địa có sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại với tần suất khai thác trong tháng 7 của Vietjet đạt hơn 300 chuyến/ngày, tăng 27% so với cùng kì năm ngoái.
Tuy nhiên dịch COVID-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7 đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quí III vừa qua, Phó TGĐ Hồ Ngọc Yến Phương cho biết. Vietjet khai thác khoảng 15.000 chuyến bay trong quí III, giảm 35% so với cùng kì. Trong 9 tháng, hãng bay giá rẻ này thực hiện tổng cộng 58.500 chuyến, giảm 43%.
Nhiều hãng bay khác của Việt Nam cũng phải cắt giảm khai thác như Vietnam Airlines bay 64.400 chuyến trong 9 tháng, thấp hơn 36% so với cùng kì, Pacific Airlines bay 11.300 chuyến, giảm 59% và Vasco gần 6.400 chuyến, giảm 35%. Quí III vừa qua, Vietnam Airlines lỗ sau thuế gần 4.000 tỉ đồng.
"Mặc dù thị trường quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, Vietjet vẫn thực hiện được gần 250 chuyến bay, chuyên chở hành khách và vận chuyển hàng hoá (cargo) về nước", bà Yến Phương cho hay.
Tính chung ba quí đầu năm, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất 13.780 tỉ đồng, giảm 64% so với cùng kì 2019; lỗ sau thuế 925 tỉ đồng. Vietjet cho biết số lỗ này thấp hơn dự kiến của ban lãnh đạo công ty.
Để khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, Vietjet đã thực hiện nhiều giải pháp kinh doanh mới như bắt đầu dịch vụ tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để tối ưu chi phí, tạo nguồn thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tăng các chuyến bay chở hàng hoá, tạo ra các sản phẩm mới, đầu tư hạng vé Delux, tăng cường chất lượng dịch vụ SkyBoss, doanh thu phụ trợ, …
Vietjet cũng đang nộp hồ sơ tại Ngân hàng Nhà nước xin thủ tục ví điện tử. Đồng thời công ty cũng triển khai chương trình khách hàng thân thiết.
Bên cạnh đó Vietjet cũng tiếp tục các giải pháp tiết kiệm chi phí, tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp, các chi phí thuê tàu, khai thác và bảo dưỡng theo giờ bay khai thác bình quân giảm 50-70% so với cùng kì 2019.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Vietjet thời điểm cuối quí III giảm khoảng 3.550 tỉ đồng so với ngày đầu năm, còn hơn 45.300 tỉ đồng. Bên phía nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của công ty giảm hơn 900 tỉ đồng tương ứng với số lỗ sau thuế của 9 tháng đầu năm.
Nợ phải trả cũng giảm hơn 2.600 tỉ đồng, chủ yếu do Vietjet giảm các khoản vay dài hạn. Tỉ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn được duy trì ổn định ở khoảng 69%.