|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines vay mới gần 18.800 tỉ đồng trong 9 tháng

22:00 | 30/10/2020
Chia sẻ
Vietnam Airlines đã đi vay gần 18.800 tỉ đồng để có dòng tiền duy trì hoạt động trong những tháng doanh thu lao dốc và lợi nhuận âm vì đại dịch COVID-19.
Vietnam Airlines vay mới gần 18.800 tỉ đồng trong 9 tháng - Ảnh 1.

Nhân viên Vietnam Airlines đeo khẩu trang tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 10/8/2020. (Ảnh: Đức Quyền)

Làm ăn thua lỗ, dòng tiền kinh doanh âm

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quí III/2020 cho thấy doanh thu thuần đạt 7.602 tỉ đồng, chỉ tương đương 30% cùng kì 2019.

Lỗ gộp quí vừa qua là 3.201 tỉ đồng, trái ngược với khoản lãi gộp 3.308 tỉ đồng của quí III năm ngoái.

Sau khi trừ tiếp các loại chi phí tài chính, bán hàng, quản lí doanh nghiệp, … Vietnam Airlines ghi nhận lỗ sau thuế 3.997 tỉ đồng trong khi cùng kì năm ngoái có lãi 1.132 tỉ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu hợp nhất của tổng công ty giảm 57% còn 32.411 tỉ đồng, lỗ sau thuế hợp nhất 10.676 tỉ đồng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hai lần bùng phát tại nước ta và gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động vận tải hàng không, kết quả kinh doanh thua lỗ của Vietnam Airlines đã được dự báo từ trước.

Vietnam Airlines vay mới gần 18.800 tỉ đồng trong 9 tháng - Ảnh 2.

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines. (Ảnh: Song Ngọc)

Ban lãnh đạo Vietnam Airlines từng đưa ra ước tính lỗ hợp nhất 10.750 tỉ đồng trong 9 tháng, chênh lệch không nhiều so với số lỗ theo báo cáo vừa công bố.

Theo số liệu của Cục Hàng không, các hãng bay Việt Nam khai thác tổng cộng 159.808 chuyến bay trong ba quí đầu năm 2020, giảm 36,5% so với cùng kì năm ngoái.

Vietnam Airlines khai thác trên 64.400 chuyến bay, giảm 35,5%. Hai hãng bay khác cùng thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng chứng kiến hoạt động giảm sút: Pacific Airlines bay hơn 11.300 chuyến, giảm 59% và Vasco gần 6.400 chuyến, giảm 34,6%. 

Hãng hàng không giá rẻ Vietjet khai thác gần 58.500 chuyến bay, giảm 43%. Bamboo Airways là hãng duy nhất ghi nhận số chuyến bay tăng 60% lên 19.219 chuyến.

Những chật vật, khó khăn của Vietnam Airlines còn thể hiện qua dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 6.270 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, trái với dòng tiền dương 7.874 tỉ đồng cùng kì 2019.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư bất ngờ dương 3.149 tỉ đồng nhờ công ty thu hồi nợ vay và bán lại các công cụ nợ của tổ chức khác để nhận về 3.679 tỉ đồng.

Với hoạt động tài chính, Vietnam Airlines đã chi 354 tỉ đồng để trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu, 2.678 tỉ đồng để trả nợ gốc thuê tài chính và 12.982 tỉ đồng để trả nợ gốc vay trong 9 tháng đầu năm nay. Cùng với đó, tổng công ty này cũng đi vay mới 18.794 tỉ đồng. Nhờ vậy, Vietnam Airlines có dòng tiền hoạt động tài chính dương 2.780 tỉ đồng trong ba quí đầu 2020.

Tại ngày 30/9 năm nay, tổng công ty này có 2.618 tỉ đồng tiền và tương đương tiền, giảm 11,5% so với ngày đầu năm.

Tài sản giảm hàng chục nghìn tỉ đồng trong 9 tháng

Tổng tài sản của Vietnam Airlines tại ngày cuối quí III là 62.370 tỉ đồng, sụt hơn 14.000 tỉ đồng so với ngày đầu năm 2020. Sự sụt giảm chủ yếu, khoảng 10.000 tỉ đồng, đến từ các khoản mục tài sản ngắn hạn như tiền gửi có kì hạn, phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho, … Các loại tài sản dài hạn như phải thu hay tài sản cố định cũng sụt khoảng 4.000 tỉ đồng.

Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của công ty chỉ giảm 3,6% còn 55.760 tỉ đồng. Giá trị nợ ngắn hạn hầu như không đổi, ở quanh 31.400 tỉ đồng. Tuy nhiên thành phần của nợ ngắn hạn có sự khác biệt rõ rệt. Tại ngày đầu năm nay, đa phần nợ ngắn hạn là các khoản phải trả người bán (hơn 50%), sau đó là vay và nợ thuê tài chính (21%).

Tại ngày cuối quí III, các khoản phải trả người bán chỉ còn chiếm 31% tổng nợ ngắn hạn, còn tỉ trọng vay và nợ thuê tăng lên thành 37%, tương đương gần 11.700 tỉ đồng.

Do thua lỗ gần 11.000 tỉ đồng trong ba quí dịch bệnh hoành hành nên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines cũng teo tóp tương ứng, từ hơn 18.600 tỉ đồng còn khoảng 6.600 tỉ đồng.

Tỉ lệ nợ/vốn chủ nhảy vọt từ 3,1 lần ngày đầu năm lên thành 8,4 lần ngày 30/9/2020. Tỉ lệ thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh đều đang ở các mức rất thấp là 0,3 lần và 0,22 lần, cho thấy tổng công ty đang đứng trước rủi ro lớn về thanh khoản.

Đức Quyền