|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu của BIDV thay đổi ra sao sau 9 tháng đầu năm?

10:52 | 30/10/2020
Chia sẻ
Sau 9 tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của BIDV tăng hơn 15% lên hơn 22.500 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng lên 1,97%; cho vay khách hàng tăng khiêm tốn 2,5%.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa công bố báo cáo tài chính quí III với lợi nhuận trước thuế trong quí tăng 16,6% so với cùng kì năm trước đạt 2.703 tỉ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt gần 7.062 tỉ đồng, tăng 0,5%, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5.666 tỉ đồng.

Con số lợi nhuận của BIDV kém khá xa so với hai "ông lớn" đã công bố số liệu trước đó là Vietcombank (15.965 tỉ đồng trước thuế) và VietinBank (10.364 tỉ đồng trước thuế).

Nợ xấu của BIDV thay đổi ra sao sau 9 tháng đầu năm? - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của BIDV. (Nguồn: tổng hợp từ BCTC BIDV).

Đáng chú ý trong kì là con số tổng tài sản của ngân hàng giảm 1,5% so với đầu năm còn hơn 1.467 triệu tỉ đồng.

Cho vay khách hàng tăng trưởng khiêm tốn 2,5% trong 9 tháng đầu năm và có lẽ là nguyên nhân khiến cho thu nhập lãi thuần giảm 4,4%. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 15,5% từ gần 19.500 tỉ đồng lên hơn 22.500 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng lên 1,97%.

Nợ xấu của BIDV thay đổi ra sao sau 9 tháng đầu năm? - Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu tài chính của BIDV. (Nguồn: tổng hợp từ BCTC BIDV).

Trong cơ cấu nợ xấu của BIDV, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm tỉ trọng lớn nhất với hơn 14.300 tỉ đồng, tăng 26% so với cuối năm trước. Nợ nhóm 4 tăng 15% trong khi nợ nhóm 2 và nợ nhóm 3 giảm lần lượt 0,9% và 16%. 

Nợ xấu của BIDV thay đổi ra sao sau 9 tháng đầu năm? - Ảnh 3.

Chi tiết cơ cấu nợ của BIDV (Nguồn: BIDV).

 Ngân hàng không công bố số dư nợ xấu đã bán cho VAMC (vào cuối năm 2019 còn 9.312 tỉ đồng), nhưng số dư chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn giảm 28% từ 23.262 tỉ đồng còn 16.758 tỉ đồng.

Diệp Bình