|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 6,9%

07:03 | 21/01/2021
Chia sẻ
Viện Kinh tế Việt Nam mới đây dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,9% theo kịch bản cao nhất.

Sáng 19/1, Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam công bố "Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo".

Theo báo cáo, đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ sau Đổi mới năm 1986, 2,91% trong năm 2020, nặng nề hơn rất nhiều so với các cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. 

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý II/2020 và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Đại dịch tạo cơ hội lớn trong thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi số

Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, COVID-19 có tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành, song cũng có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi. 

Theo ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong một năm qua, doanh nghiệp phát triển công nghệ học từ xa (edtech) tăng trưởng mạnh chưa từng có. Các ngành công nghệ số quan trọng khác cũng tăng trưởng từ 18% (truyền thông trực tuyến) đến 46% (thương mại điện tử). COVID-19 cũng đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 - 5 năm; đồng thời tạo bước nhảy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…

Ba kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam

Báo cáo cho rằng, tới năm nay, mặc dù dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực. Nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo đó hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế nước ta.

Theo mô hình dự báo của Viện, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp) phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Báo cáo lưu ý, các dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra sẽ đạt được chỉ trong kịch bản cao khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.

"Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo, một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước (công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano…), đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực", báo cáo nhận định và nhấn mạnh sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng bậc nhất cho khoa học, công nghệ để phát triển cũng như huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó cần có những thử nghiệm đột phá về thể chế, chính sách.

Báo cáo lưu ý thêm cần phải thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn "hậu COVID-19"

Đại dịch là cú hích quan trọng ban đầu đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng và một khi bệnh dịch được kiểm soát như hiện nay, thì nỗ lực chuyển đổi số có thể chậm lại, thậm chí ngưng hẳn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do đó, cần xây dựng, triển khai thực hiện sớm chiến lược chuyển đổi số trong kết hợp với các gói kích thích kinh tế (mới), giải pháp cơ cấu lại ngành/hàng liên quan; đồng thời, xây dựng, thực hiện các quy định/giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hữu hiệu, an toàn.

Trong khủng hoảng COVID-19, các nhân tố mới khiến việc thiết kế, thực thi chính sách kích thích trở nên phức tạp, việc thiết kế chính sách phải khác biệt, chi tiết hơn và có tính kiến tạo phát triển hơn, ông Lê Xuân Sang nhận định.

Khi nguồn lực hạn chế, chỉ nên tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn.

Nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị, để thúc đẩy tái cơ cấu và huy động vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp (khi thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi), cần đẩy mạnh việc IPO, thoái vốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước.

Như Ý

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.