Viên nén gỗ được dự báo trở thành ngành hàng tỷ USD, có nên áp thuế xuất khẩu?
Xuất khẩu viên vén gỗ tăng trưởng mạnh
Báo cáo nghiên cứu “Sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam: Thực trạng và một số khía cạnh về chính sách” vừa được Tổ chức Forest Trends phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) công bố cho biết giá xuất khẩu viên nén đã tăng rất mạnh trong nửa đầu năm nay, vọt lên bình quân gần 150 USD/tấn, tương đương tăng hơn 27% so với mức giá bình quân năm 2021.
Đây cũng là mức giá bình quân cao nhất kể từ năm 2015 đến nay của mặt hàng viên nén gỗ.
Không chỉ tăng mạnh về giá, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu lượng viên nén đạt gần 2,36 triệu tấn, trị giá 354 triêu USD, tương đương 67,3% tổng lượng viên nén xuất khẩu trong năm 2021, đạt giá trị hơn 85% kim ngạch của năm ngoái.
"Nếu tốc độ tăng trưởng duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2022 có thể đạt trên dưới 700 triệu USD. Trong tương lai, viên nén có khả năng sẽ lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD", các chuyên gia của Tổ chức Forest Trends và Viforest nhận định.
Sự tăng trưởng đáng chú ý của mặt hàng viên nén gỗ được cho là do nhu cầu sử dụng trên thế giới đang tăng mạnh khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm mất nguồn cung khí đốt từ Nga cho các quốc gia khu vực EU.
"Các nước EU quay lưng lại với nguồn khí đốt từ Nga khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, dẫn đến viên nén nhập khẩu đang được sử dụng để thay thế cho nguồn cung khi đốt đã mất đi này. Cầu và giá viên nén tại EU tăng cao, tạo ra sức hút từ các nguồn cung lớn đặc biệt là từ Mỹ - quốc gia xuất khẩu viên nén lớn nhất trên thế giới", báo cáo của hiệp hội gỗ chỉ ra.
Với Việt Nam, mặc dù không phải là quốc gia cung cấp viên nén lớn cho các nước EU, nhưng cầu và giá viên nén tại thị trường quốc tế tăng cao cũng tạo cơ hội cho ngành viên nén Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu.
Cụ thể, chính sách của khối các nước EU trong việc chuyển đổi từ nguồn khí gas nhập khẩu từ Nga sang sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế, bao gồm cả viên nén sẽ tiếp tục tác động lớn đến cung - cầu viên nén trên thế giới, trong đó Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối, do vậy nhu cầu sử dụng viên nén tại các quốc gia này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Đây cũng là hai thị trường quan trọng của viên nén gỗ Việt Nam, chiếm gần như 100% lượng viên nén xuất khẩu.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đang có những động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén, khiến cầu viên nén tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh.
Như vậy, với vị thế là quốc gia xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, ngành viên nén của Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế từ sự thay đổi cung-cầu trên thế giới về mặt hàng này.
Kiến nghị không áp thuế xuất khẩu
Là mặt hàng có sự tăng trưởng cao trong các nhóm măt hàng gỗ xuất khẩu, hiện tại thuế xuất khẩu viên nén vẫn là 0%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Chính phủ đang cân nhắc khả năng áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng viên nén là 5 hoặc 10%.
Nguyên nhân viên nén gỗ được coi là mặt hàng sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng đầu vào và không qua chế biến sâu nên hạn chế xuất khẩu. Việc này nhằm giữ lại nguyên liệu trong nước.
Tuy nhiên, đề xuất áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng viên nén gỗ đã nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận từ nhiều cơ quan, ban ngành bao gồm Viforest, Tổng cục Lâm nghiệp và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Các ý kiến này được dựa trên thực tế là nguồn nguyên liệu đầu vào sử dụng để sản xuất viên nén hiện nay chủ yếu là nguồn phế phụ phẩm của ngành gỗ. Nếu áp dụng thuế xuất khẩu tại thời điểm hiện tại không những có thể gây lãng phí đối với nguồn nguyên liệu này mà còn trực tiếp tác động tiêu cực tới các bên tham gia chuỗi, bao gồm các hộ trồng rừng, các cơ sở chế biến nhỏ lẻ.
Chia sẻ với người viết, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Viforest, cho biết mặc dù chỉ mới ở giai đoạn dự thảo nhưng đã gây hoang mang cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp liên hệ hiệp hội bày tỏ sự quan ngại lớn đối với đề xuất này.
Theo ông Hoài, để đầu tư một nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu, có những doanh nghiệp đã đầu tư trên 20 triệu USD, nếu áp thuế 5% hoặc 10% nhiều nhà máy sẽ không thể hoạt động, thậm chí là đóng cửa.
Ở góc độ hiệp hội, Phó Chủ tịch Viforest cho rằng không nên áp thuế với mặt hàng viên nén gỗ bởi hai lý do, thứ nhất Việt Nam đang hướng tới việc tự do hóa thương mại khi nước ta đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia là đối tác thương mại chính và xu hướng hiện nay trên thế giới là tự do hóa thương mại.
Thứ hai, mặt hàng viên nén nên khuyến khích chế biến xuất khẩu bởi nó tận dụng được nguyên liệu, phế thải của ngành chế biến gỗ và tạo ra nguồn thu cho nông dân, doanh nghiệp chưa đủ phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như nội ngoại thất.
"Ngành công nghiệp viên nén gỗ vừa mới phát triển trong những năm gần đây mà chúng ta lại dùng chính sách áp thuế xuất khẩu sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành hàng này", ông Ngô Sỹ Hoài cho hay.
Còn theo VCCI, mặt hàng viên than gỗ, hiện có thuế suất xuất khẩu 10%, được sản xuất từ mặt hàng viên gỗ nén, hiện có thuế suất xuất khẩu 0%. Các mức thuế suất như vậy là bất hợp lý vì thuế suất xuất khẩu của thành phẩm cao hơn thuế suất xuất khẩu của nguyên liệu sẽ không khuyến khích được quá trình sản xuất trong nước. Do đó, việc sửa đổi thuế suất của cả hai mặt hàng này về cùng một mức là hợp lý.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng với cả đề xuất 5% hoặc 10% đều chưa tính đến mối tương quan với mặt hàng dăm gỗ và vỏ bào. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặt hàng viên gỗ nén được sản xuất bằng cách nén chặt dăm gỗ, vỏ bào, mùn cưa, phế liệu gỗ… Trong khi đó, thuế suất xuất khẩu của mặt hàng dăm gỗ hiện nay là 2% và vỏ bào là 0%.
Như vậy, nếu áp dụng thuế suất xuất khẩu 5% hoặc 10% cho mặt hàng viên nén gỗ thì thuế suất xuất khẩu của thành phẩm cao hơn thuế suất xuất khẩu của nguyên liệu, gây tác động bất lợi cho sản xuất trong nước. Do do, VCCI đề xuất điều chỉnh thuế suất xuất khẩu đối với viên gỗ nén và viên than gỗ về mức 2% hoặc 0%.
Mặc dù không tán thành việc áp thuế vào thời điểm này nhưng các chuyên gia của Forest Trends và Viforest cho rằng Chính phủ có thể áp dụng thuế xuất khẩu trong tương lai nếu Chính phủ có kế hoạch chuyển đổi nguồn năng lượng điện than trong nước sang nguồn năng lượng sinh học sử dụng viên nén.
Tuy nhiên, nếu thuế được áp dụng, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế chính sách nhằm đảm bảo giá viên nén tiêu thụ nội địa có thể cạnh tranh được với giá xuất khẩu. Điều này sẽ giảm thiểu các thua thiệt cho các doanh nghiệp trong ngành.