Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp gỗ sản xuất cầm chừng mùa cao điểm
Sáng 31/8, tại Hội chợ Quốc tế đồ Gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA-EXPO 2022), ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), cho biết theo thông lệ, nửa cuối năm sản lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, trang trí lại nội thất tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính.
Tuy nhiên, với tình hình lạm phát cao tại thị trường Mỹ, châu Âu và những xáo trộn về tồn kho hàng hóa sau COVID-19, xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức.
Đây cũng là điều lo lắng của nhiều doanh nghiệp khi cho hay tình hình đơn hàng những tháng cuối năm rất ảm đạm mặc dù đây vốn là mùa cao điểm sản xuất trong năm.
Chia sẻ với người viết, ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Công ty CP SX TM Sài Gòn (SADACO), cho biết tại thị trường chủ lực của ngành gỗ là Mỹ, nguy cơ suy thoái kinh tế đang hiện hữu rõ. Tại châu Âu, chiến tranh Nga - Ukraine dẫn đến khủng hoảng trong các ngành hàng chất đốt, lương thực. Với việc khó khăn dồn lên đã khiến sức mua tại các thị trường này ngày càng giảm sút.
"Hàng tồn kho trong dịch chưa tiêu thụ hết trong khi sức mua mới cũng giảm, chưa kể những yếu tố đầu vào như nguyên liệu, chi phí vận chuyển, cước phí cảng đều tăng, đã tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp ngành gỗ", ông Mạnh cho hay.
Cũng theo các doanh nghiệp, mức độ sụt giảm đơn hàng đang ngày càng tăng lên trong thời gian gần đây dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp rất khó khăn.
Bà Trần Thị Thanh Trang, Giám đốc Marketing Công ty TMHH thương mại và sản xất Sao Nam, cho biết tại các quốc gia tiêu thụ sản phẩm chính của công ty là Mỹ, Australia và Nhật Bản thì Mỹ là thị trường giảm mạnh nhất, 30-40%. Đơn hàng hiện nay chỉ đủ sản xuất thêm 1-2 tháng trong khi đơn hàng cho năm mới vẫn chưa được ký kết.
Việc đơn hàng giảm sâu buộc công ty phải cắt giảm giờ làm của công nhân để có thể cân đối hoạt động sản xuất.
"Thông thường giờ làm việc của công ty là 7h - 21h từ thứ hai đến thứ 7 nhưng hiện tại công ty đã cắt bớt ngày thứ 7 và không còn tăng ca đến 21h như trước", bà Trang chia sẻ.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cho rằng việc hội chợ Vifa- Expo được tổ chức với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ giải quyết tình trạng "đói" đơn hàng, bởi đây là sự kiện xúc tiến xuất khẩu sản phẩm gỗ và nội thất lớn nhất tại Việt Nam.
"Các doanh nghiệp đang rất khó khăn khi phải chống chọi với nhiều yếu tố bất lợi thì việc diễn ra hội chợ vào lúc này với lượng khách hàng khá đông từ trong và ngoài nước sẽ là động lực phục hồi cho ngành gỗ bởi doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng, nhà nhập khẩu mới. Từ đó, hai bên có thể cập nhật xu hướng, nhu cầu thị trường và thiết lập quan hệ hợp tác, ký kết đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới", Tổng giám đốc Sagoda nhận định.
Còn theo bà Trang, bên cạnh việc duy trì lượng khách hàng và đơn hàng ở những thị trường ít bị giảm sút doanh nghiệp phải tìm đối tác ở thị trường mới như Canada, New Zeadland với kỳ vọng bù đắp phần nào cho thị trường Mỹ, mặc dù việc thay đổi thị trường khiến doanh nghiệp phần nào khó khăn khi phải đáp ứng thị hiếu, yêu cầu mới so với khách hàng truyền thống.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng cần sắp xếp sản xuất tinh gọn giảm chi phí sản xuất, giảm giá sản phẩm để kích cầu. Hơn nữa, cần tập trung vào các sản phẩm mang tính giá trị cao hoặc có tính đặc thù để tăng năng lực cạnh tranh và ít bị biến động hơn với diễn biến khó lường của thị trường thế giới.