Mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD dự báo khó hoàn thành, điều gì đang xảy ra với xuất khẩu gỗ?
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 'hụt hơi', nhu cầu têu thụ tại thị trường trọng điểm suy giảm
Đến nay, gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng duy nhất của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vượt 10 tỷ USD/năm, đồng thời ghi nhận mức xuất siêu cao nhất. Tuy nhiên, những tháng giữa năm 2022, bức tranh xuất khẩu của ngành này có phần ảm đạm.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7 đạt 1,3 tỷ USD, giảm hơn 3% so với tháng 7/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 846 triệu USD, giảm 19,2%. Đây là tháng thứ ba liên tiếp ngành hàng ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,7 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng đầu năm thấp hơn so với năm 2021 do các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng khi lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm gần 60% tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng. Với bối cảnh áp lực lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Mỹ đã khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này cũng giảm tốc.
"Khi nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam", Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Cùng với đó, giá nguyên liệu sản xuất tăng cao bởi chi phí và vận chuyển vẫn đang tăng mạnh khiến hoạt động xuất khẩu trở nên khó khăn hơn.
"Có những mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường Mỹ giá trị sản phẩm nằm trong container thấp hơn nhiều so với giá vận chuyển. Ví dụ, tại một số cảng của Mỹ, giá 1 container hiện nay đã lên trên dưới 20.000 USD/cont. Trong khi đó hàng lắp ráp sẵn không phải hàng tháo dời thì giá trị khoảng 13.000 - 15.000 USD.
Chi phí vận chuyển cao cũng dẫn đến xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang các nước như Mexico để tận dụng lợi thế về khoảng cách địa lý", ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, chia sẻ với báo Công Thương.
Khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ do các hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends vừa thực hiện cho thấy trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ, có 33 doanh nghiệp thông báo doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp nói doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ.
Thực tế, sự suy giảm này đã được phản ánh trong tình hình chung của toàn ngành khi trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2022 giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 5,56 tỷ USD.
"Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ giảm là nguyên nhân chính làm giảm đà tăng trưởng của ngành gỗ", Cục Xuất nhập khẩu khẳng định.
Sự "hụt hơi" về tiêu thụ sản phẩm gỗ không chỉ ở Mỹ, điều này cũng xảy ra tương tự đối với thị trường EU. Cụ thể, 24/38 doanh nghiệp tham gia thị trường này cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Và tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.
Mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022 gặp khó
Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Như vậy, sau 7 tháng đầu năm, ngành hàng đã thực hiện 58,8% kế hoạch đề ra, theo đó, trong 5 tháng còn lại của năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cần mang về khoảng 6,8 tỷ USD để toàn ngành hoàn thành mục tiêu.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu của ngành gỗ trong những tháng cuối năm được dự báo sẽ còn nhiều thách thức khiến cho việc hoàn thành mục tiêu không dễ dàng.
Theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là Mỹ và các nước EU khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt "hầu bao". Khi đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ sẽ tiếp tục bị giảm, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.
Báo Đồng Nai dẫn thông tin từ Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) cho biết nhiều nhà máy hiện không có đơn hàng trong các tháng cuối năm, hàng chậm hoặc thậm chí bị hủy đơn hàng, hàng tồn kho nhiều và bị thắt nghẽn dòng tiền.
Theo đại diện Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp sản xuất gỗ phục hồi rất nhanh và đã ký kết nhiều đơn hàng mới. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, đơn hàng đang giảm dần và doanh nghiệp giảm giờ làm dẫn đến thu nhập người lao động giảm mạnh. Dự báo trong thời gian tới, đơn hàng sẽ tiếp tục giảm và việc làm của người lao động sẽ khó khăn hơn.
Không chỉ nhu cầu tiêu thụ giảm, ngành gỗ còn đang phải đối mặt với các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, đặc biệt Mỹ liên tục khởi xướng điều tra sản phẩm gỗ dán cứng, sản phẩm tủ gỗ, bàn trang điểm Việt Nam.
Gần đây nhất, phía Mỹ đã công bố quyết định sơ bộ áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp gỗ dán Việt Nam tương tự Trung Quốc với mức thuế gần 200% nếu phát hiện sản phẩm sử dụng nguyên liệu gỗ cứng từ quốc gia này.
"Với phán quyết sơ bộ vừa công bố, chắc chắn sẽ khiến phía Mỹ e ngại trong việc nhập khẩu gỗ dán Việt Nam do lo ngại nguy cơ bị áp thuế cao tương tự Trung Quốc, điều này sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp đang xuất khẩu mặt hàng gỗ dán vào Mỹ", ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhấn mạnh.
Cùng với đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, đẩy giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Loạt thách thức này khiến cho 71% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Do đó, 42/52 doanh nghiệp, tương đương hơn 80% số lượng khảo sát dự báo doanh thu cả năm 2022 sẽ sụt giảm từ 30% đến trên 50%.