|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Chủ tịch Viforest: Doanh nghiệp Mỹ có thể e ngại nhập khẩu gỗ dán Việt Nam sau quyết định sơ bộ lẩn tránh thuế CBPG

08:11 | 15/08/2022
Chia sẻ
Theo đại diện Viforest, doanh nghiệp Mỹ sẽ e ngại trong việc nhập khẩu gỗ dán Việt Nam do lo ngại nguy cơ bị áp thuế cao tương tự Trung Quốc. Điều này sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp đang xuất khẩu mặt hàng gỗ dán vào Mỹ.

Theo kết luận sơ bộ vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với mức thuế tương tự như đang áp dụng với Trung Quốc lần lượt là 183,36% và 22,98 - 194,9%.

Gỗ dán là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ vào Mỹ. Do đó, câu hỏi đặt ra là quyết định này liệu sẽ tác động như thế nào đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Để trả lời cho điều này, người viết đã có cuộc trò chuyện với ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest).

 Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest). (Ảnh: báo Đầu tư)

Thưa ông, mới đây DOC đã có quyết định sơ bộ về khả năng áp thuế CBPG, CTC gỗ dán Việt Nam giống như Trung Quốc nếu phát hiện sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ nước này. Quyết định của DOC sẽ tác động như thế nào đến ngành gỗ Việt Nam?

- Ông Ngô Sỹ Hoài: Quyết định của Mỹ sẽ có tác động lớn đến việc xuất khẩu gỗ nói chung và gỗ dán nói riêng sang Mỹ. Theo số liệu thống kê, năm ngoái Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm gỗ dán sản xuất từ gỗ cứng sang thị trường này thu về 511 triệu USD nhưng năm nay với phán quyết sơ bộ vừa công bố, chắc chắn sẽ khiến phía Mỹ e ngại trong việc nhập khẩu gỗ dán Việt Nam do lo ngại nguy cơ bị áp thuế cao tương tự Trung Quốc, điều này sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp đang xuất khẩu mặt hàng gỗ dán vào Mỹ.

Trước mắt, những thiệt hại cụ thể nào có thể ước tính?

 Ông Ngô Sỹ Hoài: Đây chưa phải là quyết định cuối cùng nên mọi ước tính thời điểm này đều chưa đúng. Sắp tới Việt Nam sẽ có phản biện, tham dự phiên điều trần theo quy định, do đó, tôi hy vọng vụ việc sẽ được kết thúc không gây quá nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam bởi đây là thị trường quan trọng của ngành gỗ.

Theo thống kê, xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, do đó, bất kỳ diễn biến bất lợi nào cho doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu vào Mỹ, đồng nghĩa ảnh hưởng đến tổng kim ngạch của ngành gỗ.

Trong năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt trên 9 tỷ USD, năm nay do suy thoái kinh tế cùng với bối cảnh lạm phát, thị trường không ổn định nên xuất khẩu có chiều hướng giảm nhưng tôi hy vọng đây chỉ là diễn biến nhất thời.  

Thống kê của hải quan Mỹ cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Mỹ liên tục tăng qua các năm. So với năm trước khi khởi xướng điều tra (2019), kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Mỹ năm 2021 đã tăng 57,6%.    

   (Nguồn: Thống kê của Hải quan Mỹ. Tổng hợp: Như Huỳnh) 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang có sự gia tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ngành gỗ từ Trung Quốc.

Theo báo cáo “Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam - Trung Quốc”, trong giai đoạn 2019 - 2021, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ 661 triệu USD đến hơn 1 tỷ USD các mặt hàng này từ Trung Quốc, chiếm 25 - 37% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ hàng năm của Việt Nam từ tất cả các thị trường.

Hai mặt hàng gỗ nguyên liệu Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc là ván bóc, ván lạng và gỗ dán. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ván bóc, ván lạng có xu hướng tăng rất mạnh từ năm 2018.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ván bóc, ván lạng đã đạt 108 triệu USD, tương đương 46% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả năm 2021. 

 

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn Trung Quốc bị Mỹ áp thuế, xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh đồng thời lượng nguyên liệu nhập khẩu từ nước láng giềng cũng tăng cao. Đây có phải là một trong những lý do khiến Mỹ khởi xướng điều tra Việt Nam?

- Ông Ngô Sỹ Hoài: Không chỉ Mỹ, Trung Quốc cũng là thị trường lớn của Việt Nam, cả doanh nghiệp FDI và nội địa khi xuất khẩu sản phẩm tủ bếp sang Mỹ đều phải dùng nguyên liệu gỗ dán nhập khẩu nhưng đó không phải là lý do để khởi xướng điều tra bởi nó đã được chuyển sang trạng thái khác trước khi xuất khẩu. 

Với gỗ dán, khi Mỹ điều tra và áp thuế Trung Quốc, hoạt động sản xuất, xuất khẩu từ Việt Nam tăng lên đáng kể. Có hai nguyên nhân, thứ nhất là doanh nghiệp FDI của Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam, thứ hai là nằm ở nội lực của doanh nghiệp Việt khi nhìn thấy đối thủ gặp khó vì thuế cao, doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội sản xuất, xuất khẩu do thị phần xuất khẩu bị bỏ trống. Điều này thể hiện độ nhạy bén, chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp. 

Có ý kiến cho rằng, mỗi khi Trung Quốc bị áp thuế với đồ gỗ thì Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ bị kiện. Điều này có thực sự đúng và đáng lo ngại?

 - Ông Ngô Sỹ Hoài: Trong bối cảnh thế giới phẳng hiện nay, chuyện dịch chuyển thương mại từ quốc gia này sang quốc gia khác là bình thường. Do đó, khi các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị các biện pháp phòng vệ thương mại hạn chế sẽ dịch chuyển sang các nước khác cũng là chuyện rất dễ hiểu, điều quan trọng là chúng ta phải tránh các hoạt động gian lận, né tránh thuế, các trường hợp lợi dụng xuất xứ Việt Nam để trốn thuế.

Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng có khuyến cáo cơ quan nhà nước như hải quan cần tăng cường kiểm soát, khả năng thực thi pháp luật của các đơn vị đầu tư FDI trực tiếp nước ngoài để bảo vệ sản xuất, tránh việc doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng khiến mình bị vạ lây.

Không chỉ Mỹ, trước đó, Hàn Quốc cũng đã điều tra và áp thuế tạm thời mặt hàng gỗ dán của Việt Nam. Do đó, có ý kiến cho rằng cần phải có một "bộ tiêu chí" quy định điều kiện và tiêu chuẩn chất lượng khi xuất khẩu vào Mỹ hoặc Hàn Quốc. Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?

 - Ông Ngô Sỹ Hoài: Trong bối cảnh thương mại tự do, khi xuất khẩu một mặt hàng nào đó vào một thị trường có sự tăng trưởng mạnh thì quốc gia đó có quyền điều tra, thực hiện một số biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định của WTO.

Trước Mỹ, Hàn Quốc, gỗ dán, gỗ lạng Việt Nam xuất khẩu vào Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng bị điều tra. Điều này cho thấy quy mô của một mặt hàng xuất khẩu càng lớn thì tần suất xuất hiện các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ  cũng càng cao. Do đó, với doanh nghiệp ngành gỗ sẽ phải chấp nhận và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận. Trong khi đó, các vấn đề về chất lượng lại phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng nên việc đưa ra một tiêu chí chung là không phù hợp.

Như vậy, thời điểm này cho đến lúc phía Mỹ ra quyết định cuối cùng của vụ việc, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì để tự vệ, cũng như hạn chế những ảnh hưởng nặng nề từ biện pháp phòng vệ thương mại của phía Mỹ?

 - Ông Ngô Sỹ Hoài: Về mặt kỹ thuật, lúc này doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội phản biện, tham gia điều trần, giải thích, khai báo đầy đủ cho cơ quan điều tra. Đồng thời cần có người thông thạo tiếng Anh, am hiểu luật pháp quốc tế để khai báo đúng, lưu giữ hóa đơn chứng từ bằng chuyển đổi số để thuận tiện trích xuất khai cơ quan điều tra cần.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa thị trường bởi lâu nay chúng ta thường “bỏ trứng vào một giỏ”, việc thay đổi này không phải câu chuyện dễ nhưng cần phải làm để tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Không những vậy, doanh nghiệp cũng phải đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín, tăng cường nâng suất, chất lượng đáp ứng các phân khúc cao hơn vì nếu chỉ tập trung phân khúc sản phẩm giá rẻ vào một thị trường sẽ dễ bị điều tra và áp thuế.

Xin cảm ơn ông!

Như Huỳnh