|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bất chấp sức ép lạm phát, đồ nội thất gỗ Việt Nam vẫn thu hút người tiêu dùng Mỹ

07:30 | 26/08/2022
Chia sẻ
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong bối cảnh lạm phát tăng cao khiến nhu cầu giảm nhưng hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam trong nửa đầu năm đều chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhập khẩu của Mỹ. Điều này cho thấy, các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã thu hút được người tiêu dùng Mỹ.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết theo tính toán từ số liệu thống kê của Uỷ ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC), tháng 6 Mỹ nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 2,3 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 6/2021. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 13,7 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Chịu sức ép từ lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, nhưng nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ vẫn tăng trong nửa đầu năm 2022.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, với trị giá chiếm 36,2% tổng trị giá nhập khẩu, giảm 3,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc chiếm 19,5%, giảm 1,3 điểm phần trăm.

 Thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ cho Mỹ trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: Uỷ ban thương mại quốc tế/Bộ Công Thương)

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao, dẫn đến chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào gia tăng tại các thị trường sản xuất đồ nội thất bằng gỗ. Vì vậy, Mỹ đang có xu hướng tăng nhập khẩu từ các thị trường có vị trí địa lý gần hơn để giảm chi phí vận chuyển như Mexico và Canada. 

Trong nửa đầu năm 2022, hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam đều chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhập khẩu, trừ mặt hàng đồ nội thất văn phòng.

Điều này cho thấy, các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã thu hút được người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, cơ hội tăng thị phần luôn đi kèm với rủi ro phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế.

Vì vậy, để tránh rủi ro từ các vụ kiện, doanh nghiệp Việt Nam cần cần tích cực tham gia vào quá trình điều tra của cơ quan chức năng Mỹ để hạn chế số lượng doanh nghiệp bị áp thuế. Cùng với đó, việc tuân thủ triệt để các quy định của thị trường, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu cũng sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam giữ vững thị phần tại thị trường này.  

Như Huỳnh