|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 65% trong tháng 8 nhưng không phải điều đáng mừng

07:46 | 12/09/2022
Chia sẻ
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh trong tháng 8 do trong tháng 8/2021 giá trị xuất khẩu mặt hàng này ở mức thấp trong khi năm nay giá thành sản phẩm tăng cao khiến kim ngạch tăng lên.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 65% so với tháng 8/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 851 triệu USD, tăng 60,5% so với tháng 8/2021.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,77 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh trong tháng 8 do trong tháng 8/2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở mức thấp, bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh bùng phát, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ bị gián đoạn do các nhà máy đóng cửa vì giãn cách xã hội.

Tại thời điểm hiện tại, tác động bởi xung đột giữa Nga và Ukraina, khiến giá năng lượng tăng cao tác động tới chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu đầu vào gia tăng, điều này dẫn tới giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng cũng là yếu tố làm trị giá xuất khẩu trong tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Trong cơ cấu gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm tỷ trọng cao nhưng trị giá xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2022 giảm 7,6% với cùng kỳ năm 2021, đạt 6,3 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có trị giá giảm, trừ mặt hàng đồ nội thất nhà bếp.

Mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng có giá trị gia tăng cao và cần được đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU…, cùng với chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gia tăng.

"Khả năng tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng này kém khả quan, mặc dù cuối năm theo chu kỳ là thời gian xuất khẩu tăng trưởng mạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường nhà ở hoàn thiện, trang trí nội thất gia đình đón chào năm mới", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Tại họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho biết, tăng trưởng của ngành gỗ trong 8 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá sản phẩm tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn nhích lên 6%. 

Trong đó, một điểm sáng trong ngắn hạn là xuất khẩu viên nén, dăm gỗ chớp được thời cơ khi EU, Nhật Bản và một số nước châu Á tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt. Giá viên nén, dăm gỗ đã tăng 150 - 200%, bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Ông Trần Quang Bảo nhận định, nếu tháng 9/2022 và những tháng còn lại, tốc độ tăng trưởng ổn định như tháng 8, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD thì ngành lâm sản có thể phấn đấu đến mục tiêu xuất khẩu 16,4 tỷ USD trong năm 2022.

Dù vậy, 4 tháng cuối năm, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh tương mại, tác động xung đột Nga – Ukraine, giá cước vận chuyển, lạm phát…

“Hiện, hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn ở mức cao. Thời điểm này, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị giảm đơn hàng năm 2022 và chưa nhận được đơn mới cho năm 2023, phải cắt giảm lao động”, ông Trần Quang Bảo đánh giá.

Như Huỳnh