Xuất khẩu gỗ sang Anh năm 2023 có thể đạt 230 triệu USD
Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 9, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang thị trường Anh đạt hơn 15 triệu USD, tăng 8,5% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, xuất khẩu lâm sản sang Anh đạt 139 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Trao đổi với Bộ Công Thương, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) dự báo năm 2023 xuất khẩu lâm sản sang Anh đạt 230 triệu USD. Theo đó, tổng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh đang chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.
“Xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Anh cao hơn so với mức bình quân của các ngành hàng, tuy nhiên, con số trên quả thực vẫn rất khiêm tốn”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.
Phó Chủ tịch Viforest cho biết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) đã có tác động tích cực ngành gỗ.
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt được hưởng thuế xuất ưu đãi trong vòng 5 năm tới tất cả sản phẩm gỗ với mức tiến về 0%. Đây cũng là lợi thế của Việt Nam so với các nước khác cũng đang xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường Anh.
Thứ hai là hiệu ứng lan tỏa. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Anh là quốc gia có nền công nghiệp chế biến và thương mại gỗ chế biến và phát triển sớm, đồng thời Anh là cửa ngõ vào EU, thậm chí là vào phần còn lại của thế giới. Do vậy, khi doanh nghiệp đã đưa được sản phẩm vào thị trường Anh quốc thì sẽ có cơ hội đưa vào các quốc gia khác.
Tuy đã rời khỏi EU, nhưng Anh vẫn có mối quan tâm với những sáng kiến, quá trình toàn cầu liên quan đến bảo vệ môi trường.
Anh không có nghĩa vụ thực hiện những quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng của EU, tuy nhiên thị trường này có thể sẽ đeo đuổi những quy định mà các văn bản pháp quy này đặt ra.
Do đó, khi xuất khẩu gỗ vào các thị trường này ngoài yếu tố về chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp cần chú ý tới vấn đề gỗ hợp pháp, đảm bảo nguyên liệu sản xuất là sản phẩm được khai thác hợp pháp.