|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp gỗ đã được hoàn hơn 2.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng

05:00 | 04/10/2023
Chia sẻ
Ông Thang Văn Thông, Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam cho biết các doanh nghiệp ngành gỗ đã được hoàn 2.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT), chiếm 1/3 trong tổng số thuế chờ hoàn.

1/3 số VAT của doanh nghiệp gỗ đã được hoàn

Thông tin với báo chí ngày 3/10, ông Thang Văn Thông, Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - Viforest) cho biết tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ, chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến dăm gỗ, viên nén đã được hoàn 2.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) trong tổng số hơn 6.100 tỷ đồng tiền thuế chờ hoàn.

Nhiều địa phương đã hoàn thuế cho doanh nghiệp như Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa,…

Ông Thông khẳng định số tiền hoàn thuế này là dòng vốn quan trọng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới. Ông cũng kỳ vọng từ nay đến cuối câu chuyện hoàn VAT của doanh nghiệp gỗ sẽ tiếp tục được quan tâm và thúc đẩy.

Thống kê sơ bộ của Viforest, tổng số VAT doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu gỗ chờ hoàn trả khoảng 6.100 tỷ đồng.
Trong đó, VAT của các doanh nghiệp thuộc chi hội dăm gỗ khoảng 4.000 tỷ đồng; các doanh nghiệp hội viên chi hội gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỷ đồng; số còn lại khoảng 1.600 tỷ đồng thuộc về các doanh nghiệp viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác.

Trước đó, các doanh nghiệp ngành gỗ đã có nhiều văn bản gửi đến Chính phủ và các bộ ngành về việc tháo gỡ khó khăn trong vấn đề hoàn VAT cho doanh nghiệp.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/8, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã chỉ đạo Cục trưởng Cục thuế các địa phương đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Ngày 21/9, Tổng cục Thuế tiếp tục có văn bản gửi cục thuế các tỉnh, thành phố đề nghị rà soát, cung cấp tên các mặt hàng trong một số nhóm mặt hàng để Bộ Tài chính có cơ sở xây dựng các phương án tại dự án luật Thuế giá trị gia tăng. 

Theo văn bản, Bộ Tài chính được Chính phủ giao hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật Thuế giá trị gia tăng để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội.

Tại dự án luật dự kiến sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với "sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên".

Ông Thông cho rằng công văn của Tổng cục Thuế đã xem xét tới nội dung liên quan đến đề xuất của Viforest và Chi hội Dăm gỗ Việt Nam về các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. 

Doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng cho cuối năm

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong tháng 9, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ,Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam cho biết viên nén và dăm gỗ tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu lâm sản. Hiện nay, các doanh nghiệp có thêm đơn hàng mới đã cho công nhân tăng ca trở lại hoặc tuyển thêm lao động.

Với riêng mảng dăm gỗ, ông cho rằng đến thời điểm này, lượng xuất khẩu sẽ không giảm, nhưng giá trị đi xuống do mức nền năm 2022 cao.

Năm 2022, xung đột Nga – Ukraine xảy ra khiến vận chuyển khó khăn nên giá dăm gỗ có thời điểm lên đến 190 USD/tấn, tuy nhiên bước sang đầu năm 2023, giá dăm đã về mức 125 - 140 USD/tấn. Do đó, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ năm 2023 sẽ thấp hơn năm ngoái. Tương tự với mặt hàng viên nén, giá cũng giảm trong những tháng đầu năm và hiện đã dần ổn định lại.

Phó Chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam cho biết chỉ còn ngành chế biến gỗ khá ít đơn hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, theo thông lệ hàng năm, nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ sẽ có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm, khi thị trường nhà ở hoàn thiện và nhu cầu thay thế nội thất gia tăng để đáp ứng mùa lễ hội.

Cùng với đó, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU hàng tồn kho đang giảm và nhu cầu nhập khẩu dự kiến sẽ tăng là cơ hội để các doanh nghiệp ngành gỗ đón nhận đơn hàng trong những tháng tới.

Hoàng Anh