Vì sao Việt Nam chưa phát triển được sản xuất ethanol từ mía?
Sản xuất ethanol từ mía vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu
Mía không chỉ được sử dụng trong sản xuất đường mà còn là nguyên liệu tiềm năng cho sản xuất ethanol. Tuy nhiên, không giống như Brazil - quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất ethanol, hiện nay, các nhà máy Việt Nam chủ yếu sử dụng nguyên liệu sắn (khoai mỳ) để làm nguyên liệu cho ethanol.
Bài học từ Brazil cho thấy việc tận dụng linh hoạt mía trong sản xuất đường và ethanol đã giúp nước này giảm thiểu thiệt hại từ sự biến động khó lường giá đường và giá dầu thô trong những năm qua.
Theo đó, khi giá dầu thô tăng cao, giá đường xuống thấp, nước này tập trung sử dụng mía cho sản xuất ethanol để phối trộn với xăng, qua đó giúp hạ nhiệt giá năng lượng. Ngược lại, khi giá đường tăng lên, nước lại tập trung nguyên liệu mía để sản xuất mặt hàng này.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam không học hỏi kinh nghiệm của Brazil, nhất là thời điểm ngành đường trải qua thời kỳ khủng hoảng 2018 - 2020 khi giá thấp kỷ lục?
Trên thực tế, hiện tại cũng đã có doanh nghiệp lên kế hoạch để xây dựng nhà máy ethanol sản xuất từ mía nhưng các dự án vẫn đang còn nằm trong giai đoạn trên giấy.
Cụ thể, CTCP Đường Quảng Ngãi hiện đang thuê tư vấn để xây dựng dự án sản xuất ethanol từ mật rỉ với công suất dự kiến là 200.000 lít/ngày (tương đương hơn 60 triệu lít/năm). Công ty cho biết hoạt động sản xuất đường tạo ra phụ phẩm mật rỉ và hiện đang bán cho các doanh nghiệp sản xuất bột ngọt. Do đó, để tăng cường hiệu quả kinh doanh và chủ động tiêu thụ mật rỉ, doanh nghiệp này tính đến việc sản xuất ethanol.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Võ Thành Đàng, CEO công ty cho biết mục tiêu của Việt Nam 2028 là đẩy mạnh sử dụng xăng E5 nhằm thực hiện hoá cam kết lộ trình phát thải ròng bằng 0. Do đó, quyết định đầu tư dự án này nhằm đón đầu xu hướng sử dụng xăng E5 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, dự án này lẽ ra đang được thi công nhưng do đơn vị tư vấn bên Mỹ gặp trục trặc, phải chuyển sang một đơn vị khác tại Áo, nên dự án này vẫn đang trong giai đoạn thiết kế, ông Đàng nói thêm.
Còn về phía Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổ chức này cho biết cũng đã kết hợp với đại xứ Brazil và bắt đầu tiếp cận mô hình sản xuất ethanol kết với với đường. Hiệp hội cũng đã tổ chức sự kiện để tìm cách phát triển mô hình này vào Việt Nam.
Những khó khăn về thị trường
Các doanh nghiệp mía đường cũng đã có những bước đầu trong việc tiếp cận thị trường ethanol. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản trên thị trường và việc học hỏi kinh nghiệm từ Brazil vẫn còn hạn chế do các điều kiện khách quan.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết những khác biệt liên quan đến điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách khiến ngành cồn ethanol - đường mía của Brazil phát triển tốt trong khi Việt Nam thì không.
Theo đó, sản lượng dầu mỏ của Brazil thấp, nên nước này có điều kiện để thúc đẩy việc sản xuất cồn phục vụ cho nhu cầu năng lượng. Họ lồng ghép chương trình sản xuất đường - ethanol từ mía nhờ nhu cầu trong nước cao và có sự hỗ trợ của chính phủ để có thể tự túc về mặt năng lượng.
Trong khi đó, Việt Nam có thể khai thác dầu, nhu cầu xăng pha ethanol thấp, nên chương trình sản xuất ethanol trong 10 năm nay dậm chân tại chỗ, thậm chí nhiều doanh nghiệp sản xuất ethanol bị phá sản.
Theo báo cáo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển xăng sinh học ở Việt Nam” của PGS. TS. Phạm Hữu Tuyến và TS. Nguyễn Thế Trực thuộc Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, cả nước 7 nhà máy sản xuất ethanol.
Tuy nhiên, chỉ có hai nhà máy còn hoạt động là CTCP sản xuất ethanol Quảng Nam và Nhà máy sản xuất Cồn Tùng Lâm (Đồng Nai) với tổng công suất khoảng 200 triệu lít/năm. Báo cáo chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu ethanol ở thị trường nội địa thấp, giá nguyên liệu cao, chi phí đầu tư lớn trong khi chính sách hỗ trợ chưa đủ.
Chủ tịch của Hiệp hội Mía đường nhận định mặc dù mô hình đường - ethanol rất hay nhưng để thuyết phục cơ quan nhà nước có chính sách hỗ trợ là điều khó khăn và cần nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường phải đủ lớn.
Báo Chính phủ dẫn báo cáo của Bộ Tài Chính cho biết nhu cầu sử dụng ethanol để pha xăng E5 của Việt Nam khoảng 200.000 mét khối/năm (tương đương khoảng 200 triệu lít/năm). Con số này tương đương với công suất của hai nhà máy còn đang hoạt động.
“Quan điểm của hiệp hội là xem xét thị trường tiêu thụ. Thậm chí, bên Thái Lan đổ nhiều tiền vào chương trình sản xuất ethanol từ mía. Nhưng trước đây khi xây dựng chương trình, không ai tính đến nhược điểm xe chạy nhiên liệu xăng pha ethanol thì không “bốc”. Do đó, đến lúc làm ra sản phẩm ethanol rất khó bán. Có khá nhiều yếu tố liên quan đến đầu ra nên chúng ta phải xem xét”, ông Lộc cho biết.
Báo Công Thương dẫn lời ông Vũ Kiên Trung, Đại diện Hiệp hội Nhiên liệu Sinh học Việt Nam tại “Diễn đàn nhiên liệu sinh học Việt Nam 2023” diễn ra hồi tháng 6 năm ngoái cho biết xăng E5 đã được phân phối rộng rãi trên toàn quốc, nhưng tình trạng tiêu thụ chưa đạt được mức kỳ vọng.
Những thách thức mà các đơn vị sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam đang gặp phải là rất nhiều như người tiêu dùng lo ngại về hiệu suất của xăng sinh học, không có nguồn nguyên liệu chủ động cho sản xuất…
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sản lượng tiêu thụ xăng E5 đang có xu hướng giảm. Thống kê sản lượng tiêu thụ xăng E5 của Petrolimex từ năm 2018 đến nay cho thấy sản lượng tiêu thụ xăng E5 đã giảm từ hơn 2 triệu lít năm 2018 đến năm 2022 chỉ còn khoảng 1,5 triệu lít và 5 tháng đầu năm 2023 chỉ còn hơn 544 nghìn lít.
Lý do là bởi tiêu chuẩn xăng E5 mới ngang với tiêu chuẩn EURO 2; trong khi các phương tiện giao thông đời mới (gồm cả xe máy và ô tô) đều muốn sử dụng xăng ngang tiêu chuẩn EURO 3,4 (Xăng RON95).