|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sự hồi sinh đầy trắc trở của ngành mía đường

14:23 | 11/09/2024
Chia sẻ
Kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (năm 2021) với đường nhập khẩu từ một số nước, ngành mía đường trong nước đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, chặng đường phục hồi của ngành này vẫn còn nhiều trắc trở vì đường nước ngoài.

Phòng vệ thương mại - liều thuốc cho ngành đường

Kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (năm 2021) với đường nhập khẩu từ một số nước, ngành mía đường trong nước đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượngvụ ép mía 2023 - 2024 trong tháng 6 đã đạt 11,2 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,1 triệu tấn đường các loại. Cả hai chỉ số này cùng tăng khoảng 18% so với so với niên vụ trước đó.

So với cách đây 4 niên vụ, sản lượng mía ép và đường niên vụ 2023-2024 (từ tháng 7 năm trước đến tháng 6 năm nay) đều tăng trên 160%.

Trước đó, ngày 16/6/2021, một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99%, thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%. Hai loại thuế này là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với mía đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp chính thức là 5 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp chính thức có hiệu lực

Ngoài ra, tháng 8/2022, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.  Theo đó, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tương tự như Thái Lan. 

Những sắc lệnh này được xem là "liều thuốc" cứu nguy cho ngành mía đường trong nước vốn đã chịu sức ép từ đường nhập khẩu giá rẻ và diện tích mía bị thu hẹp.

 Nguồn: VSSA (H.Mĩ tổng hợp)

Giá thu mua mía hiện tại cũng 152% so với niên vụ 2019 - 2020, đạt 1,2 - 1,3 triệu đồng/mía, tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực. Điều này giúp diện tích mía, sản lượng phục hồi trong những niên vụ qua. Diện tích mía năm 2024 đạt 163.019 ha, tăng 31% so với năm 2021; sản lượng mía phục hồi 47%. 

Niên vụ 2023 -2024 cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam đạt đến mốc năng suất đường 6,79 tấn đường/ha, cao hơn so với những nước sản xuất mía đường chính trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines. Cụ thể, năng suất của Thái Lan, năng suất 5,98 tấn/ha, còn Indonesia và Philippines là dưới 5 tấn/ha. 

  Nguồn: VSSA (H.Mĩ tổng hợp)

Giá đường trong nước cũng đã tăng từ khoảng 15.000 đồng/kg trong năm 2021 lên hơn 22.000 đồng/kg trong năm 2024 kéo theo sự phục hồi của các công ty ngành mía đường.

Điển hình như CTCP Mía Đường Sơn La (Mã: SLS) ghi nhận doanh thu, lợi nhuận năm 2023 khoảng gấp đôi so với năm 2021, đạt lần lượt 1.700 tỷ đồng và 523 tỷ đồng. Còn nếu chỉ tính riêng năm nửa đầu năm tài chính 2024, doanh thu, lợi nhuận của công ty này cũng cao hơn rất nhiều so với 2021.

 Nguồn: Wichart

Hay như CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) ghi nhận trong năm 2023 doanh thu đạt hơn 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.200 tỷ đồng; tăng lần lượt 36% và 74% so với năm 2021.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 1.222 tỷ đồng gần bằng cả năm 2021.

Công ty đánh giá ngành mía đường Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể dưới tác động của giá đường thế giới tăng cao và các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhà nước Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021.

Hoạt động sản xuất kinh doanh đường năm 2023 của Đường Quảng Ngãi đạt được mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Công ty cũng đã đầu tư mở rộng nâng công suất Nhà máy Đường An Khê, đầu tư cơ giới hóa, phân bón, chất lượng mía tăng cao,…. Sản lượng đường từ mía của công ty chiếm trên 20% sản lượng đường mía tại Việt Nam trong niên vụ 2022-2023.

  Nguồn: Wichart

Vật cản đà phục hồi của ngành đường

Mặc dù đã có những phục hồi lớn kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, VSSA vẫn tỏ ra lo lắng về tình trạng dư cung do sự xâm lấn của đường nhập khẩu chính ngạch và đường lậu. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch VSSA, cho biết sự bùng nổ nhập khẩu đường lỏng siro ngô (HFCS) với mức nhập khẩu vào Việt Nam năm 2023 và 2024 đã “ăn” mất thị phần của đường phục vụ trong ngành giải khát. 

Theo đó, năm ngoái, lượng đường lỏng siro ngô nhập khẩu đạt 231.000 tấn - mức cao nhất trong 4 năm gần đây. Khối lượng đường HFCS này tương đương 300.000 tấn đường mía bởi độ ngọt cao hơn 1,3 - 1,6 lần.

Năm nay xu hướng nhập khẩu HFCS vẫn gia tăng. 7 tháng đầu năm, khối lượng nhập khẩu đạt hơn 143.500 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bên cạnh đó, đường buôn lậu tiếp tục tạo sức ép cho ngành đường trong nước. Nhiều hành vi gian lận thương mại, nhập lậu đường đã được các cơ quan chức năng phát hiện tại hầu như tất cả tỉnh thành trên cả nước. Các kẽ hở pháp luật trong việc đấu giá đường bị tịch thu và sự buông lỏng kiểm soát ghi nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ đang bị các đối tương kinh doanh phi pháp lợi dụng.

Ông Lộc tính toán, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam khoảng 600.000 tấn trong niên vụ vừa qua. Như vậy, đường nhập lậu và nhập khẩu HFSC (quy đổi sang đường mía) khoảng đương 900.000 tấn. Trong khi đó, tổng nguồn cung đường kính cho nội địa, bao gồm sản xuất nội địa và nhập khẩu đường kính chính ngạch, tính từ đầu năm đến tháng 7 là 1,33 triệu tấn

“Do đó, tính đến cuối tháng 7, khoảng 60% lượng đường sản xuất của vụ 2023-2024 vẫn còn nằm trong kho của các nhà máy. Ngành đường đang dư cung rất nặng. Năm 2023 đã thừa cung và tình hình này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2024”, ông Lộc cho biết. 

Theo ông cần có biện pháp kiểm soát tình trạng nhập khẩu đường HFCS. Điển hình như kinh nghiệm của Philippines, Indonesia áp dụng đánh thuế hai lần đối với loại đường này: Lần 1 thuế nhập khẩu và lần 2 là thuế đối với nước giải khát dùng đường HFCS.

H.Mĩ