|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mía đường Cao Bằng lo bị giải thể vì bị tranh mua nguyên liệu

21:06 | 13/09/2024
Chia sẻ
Ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Cao Bằng cho biết trong vụ ép 2023-2024 sản lượng mía tư thương xuất chính ngạch sang Trung Quốc đạt trên 30.000 tấn. Con số này, chiếm trên 20% tổng sản lượng mía nguyên liệu toàn vùng.

Tại Hội nghị Tổng kết ngành Mía đường hôm 13/9, ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Cao Bằng cho biết doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ giải thể vì thiếu nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất. Nguyên nhân xuất phát từ nạn tư thương không đầu tư nhưng tranh thu mua mía trong vùng nguyên liệu mà công ty đầu tư để xuất khẩu sang Trung Quốc. Quốc gia này hiện có chính sách bảo hộ ngành mía đường nên giá đường và giá mía đều cao hơn Việt Nam.

Ông Thuyết cho biết trong vụ ép 2023-2024 sản lượng mía tư thương xuất chính ngạch sang Trung Quốc đạt trên 30.000 tấn. Con số này, chiếm trên 20% tổng sản lượng mía nguyên liệu toàn vùng.

Ông cho rằng dự kiến vụ 2024-2025 tình trạng này diễn ra sẽ càng nghiêm trọng hơn vì tư thương đang lắp đặt các trạm thu mua rải khắp vùng trọng điểm của địa bàn nguyên liệu của công ty. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản nhằm hỗ trợ ngăn chặn tình trạng trên, tuy nhiên chỉ ở mức độ vận động tuyên truyền nên chưa giải quyết triệt để được vấn đề do thiếu các quy định rõ ràng để bảo vệ chuối liên kết.

"Việc tư thương không đầu tư, không được cấp quy hoạch vùng trồng mà tổ chức tranh thu mua để xuất khẩu đã đang xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi nhà đầu tư, tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng, gây nhiễu loạn trên địa bàn, phá vỡ chuỗi liên kết sản xuất", ông nói

Lãnh đạo mía đường Cao Bằng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ ngành liên quan; chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ chuỗi liên kết sản xuất mía đường tại tỉnh Cao Bằng.

Vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần mía đường Cao Bằng được UBND tỉnh Cao Bằng cấp quy hoạch với diện tích 4.200ha, nằm trên địa bàn vùng biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 1997, bằng hình thức đầu tư cung ứng trước vật tư nông nghiệp ( Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ), tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác.  

Đồng thời, công ty đã ký kết hợp đồng bao tiêu với từng hộ trồng mía trong vùng, giá thu mua được công khai, chia sẻ tối đa lợi ích với người trồng mía phù hợp giá đường theo từng thời kỳ.

Chuỗi liên kết sản xuất mía đường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng này đã tạo ra sinh kế cho trên 5.000 hộ dân, giải quyết việc làm ổn định cho trên 300 lao động tham gia dây chuyền sản xuất.

 

 

H.Mĩ