|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Thái Lan không sẵn LNG mà điện khí vẫn chiếm 50% tổng nguồn?

14:44 | 08/12/2023
Chia sẻ
Ông Somsak Chutanan, chuyên gia về phát triển dự án năng lượng cho biết việc xây dựng cảng và nhà máy điện khí LNG rất tốn kém. Do vậy, chính phủ Thái Lan có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân.

Ông Somsak Chutanan, chuyên gia phát triển dự án năng lượng Thái Lan. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Tại diễn đàn Diễn đàn "Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII" do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 7/12, ông Somsak Chutanan, chuyên gia phát triển dự án năng lượng đã chia sẻ câu chuyện phát triển điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Thái Lan.

Ông Somsak Chutanan cho biết Thái Lan là nước nhập khẩu 100% khí LNG. Tuy nhiên, nguồn điện này lại chiếm tới hơn 50% trong tổng công suất phát điện của quốc gia này.  

Tại Thái Lan, việc khai thác dòng khí tự nhiên cũng tương tự như Việt Nam. Khi phát hiện ra các mỏ, chính phủ sẽ giao cho công ty khí quốc gia làm việc với các đối tác quốc tế để phối hợp khai thác.

Sau khai thác, những loại khí đều được đưa về các nhà máy sản xuất điện. Thái Lan có một kho cảng lưu trữ khí, việc xây dựng kho này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển điện khí.

Tuy nhiên, việc xây dựng cảng và nhà máy điện khí rất tốn kém. Do vậy, chính phủ Thái Lan có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân.

Về tiêu dùng và cấu thành giá điện khí của Thái Lan, ông Somsak Chutanan cho biết 50% giá điện khí được cấu thành từ giá khí cộng chi phí vận chuyển. Thái Lan có nhiều ưu đãi cho các nhà máy điện khí nên giá bán điện được phân chia rõ ràng theo nhu cầu giữa công nghiệp và sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp) 

Nhìn vào thực tế ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp cho rằng: “Muốn phát triển điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không có chuyện áp mức giá thấp để bảo đảm khung giá điện thấp đi”.

Thực tế, giá thành sản xuất điện khí LNG cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than, nắng, gió, thủy điện…

Do vậy, chuyên gia Nguyễn Văn Phụng cho rằng cần có một khung giá điện cho nguồn này, được xây dựng trên phương pháp khoa học, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn ở một số quốc gia đã và đang áp dụng tốt.

Khung giá điện khí LNG được xây dựng dựa trên các yếu tố cấu thành giá điện như: chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG cơ sở, hệ số điều chỉnh theo thị trường khi có biến động giá…

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng nhận định LNG chiếm phần lớn trong giá thành điện khí, song lại thường xuyên biến động mạnh theo diễn biến của thị trường thế giới. Do vậy, hệ số điều chỉnh sẽ cho phép xử lý các biến động này, bảo đảm được quyền lợi của các bên trong thị trường.

Liên quan đến một số chính sách khuyến khích phát triển thị trường điện khí LNG ở Việt Nam, ông Phụng đưa ra một số đề xuất về thuế.

Cụ thể, khí LNG đang được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 5%, điều này giúp giảm giá thành sản xuất điện. Do vậy, ông Phụng đề xuất chuyển giảm thuế nhập khẩu xuống mức thấp nhất là 0%.

Với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), ông Phụng đánh giá đây là sắc thuế có tác động trực triếp đến kết quả kinh doanh, hiệu quả đầu tư và thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư. Luật thuế TNDN hiện hành có quy định mức ưu đãi thuế rất cao cho các dự án điện, trong đó có điện LNG. 

Theo đó, dự án đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện (không phân biệt nguồn nhiên liệu sử dụng) thuộc diện áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ khi đi vào hoạt động. Ngoài ra, các dự án năng lượng sạch được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm tối đa 50% thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo.

Các dự án nhà máy điện có quy mô vốn đầu tư lớn hoặc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch có thể được kéo dài thêm thời gian hưởng thuế suất ưu đãi nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm.

Tuy nhiên, quy định về ưu đãi thuế cao như mức nêu trên sẽ được điều chỉnh lại theo Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 nhằm thực hiện cam kết thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu. Mức thuế suất 10% cũng sẽ được trình thay đổi theo dự án xây dựng Luật thuế TNDN sửa đổi vào năm 2024.

“Điều chỉnh mức thuế suất TNDN ưu đãi từ 10% lên mức 15%, thời gian miễn, giảm thuế để bảo đảm mức thuế suất thực tế không thấp hơn mức thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%”, chuyên gia Nguyễn Văn Phụng đề nghị.

Ông Phụng giải thích thêm việc nâng thuế suất TNDN lên 15% (áp dụng với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cần thực hiện để không vi phạm các quy định quốc tế. Từ đó, Việt Nam sẽ lấy mức thuế TNDN ưu đãi 15% là mức sàn để thiết kế các mức thuế phổ thông khác.

Tại Việt Nam, Quy hoạch Điện VIII quy định đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) với tổng công suất 22.400 MW. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương đương 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. 

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023 vẫn chưa có dự án LNG nào được vận hành. Việc thực hiện một dự án điện khí LNG mất hơn 8 năm. Các chuyên gia lo ngại 13 dự án LNG có nguy cơ chậm tiến độ, khó về đích đúng hạn vào năm 2030.

Hoàng Anh