Miền Bắc vào đợt nắng nóng cao điểm, mảng nhiệt điện than, điện khí sẽ hưởng lợi
Tỷ lệ huy động nhiệt điện than có lúc đạt 84%
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, tình hình thuỷ điện suy yếu sẽ tạo dư địa huy động cho các nguồn điện khác như nhiệt điện than, điện khí.
Trong đó, đối với mảng nhiệt điện than, các nhà máy tại miền Bắc sẽ hưởng lợi sớm do nguồn than ổn định và chi phí vận chuyển rẻ. Một số doanh nghiệp như Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Phả Lại… là những cái tên tiềm năng hưởng lợi từ xu hướng này.
"Chúng tôi cho rằng tình trạng thiếu điện tại miền Bắc sẽ củng cố triển vọng huy động sản lượng điện than, đặc biệt khi dự kiến khu vực sẽ trải qua giai đoạn nắng nóng hơn.", báo cáo VNDirect viết.
Theo số liệu từ báo cáo phân tích trong tháng 6, công suất huy động điện than cải thiện đáng kể, lên tới 84% tổng công suất nguồn điện do nhu cầu tăng đột biến trong mùa hè cùng với sự thoái trào của thủy điện.
Trong khi đó, nguồn than cấp cho nhiệt điện cũng được đảm bảo, nhiều nhà máy nhờ đó ghi nhận mức sản lượng điện cao. VNDirect cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài trong 2023.
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng mặc dù giá than nhập khẩu đang neo ở mức cao trong năm do nhu cầu hồi phục từ thị trường Trung Quốc nhưng đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Đồng thời, ảnh hưởng từ giá than sẽ là không đáng kể trong bối cảnh miền Bắc rất thiếu nguồn điện và nhu cầu dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), trong tuần đầu tháng 7 lượng tiêu thụ điện cũng đã tăng mạnh.Sản lượng điện trung bình ngày toàn quốc trong thời gian này đạt 853 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước đó khoảng 45,7 triệu kWh.
Ngày 7/7, công suất cực đại đạt 45.305 MW, mức cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 3.482 MW so với tuần trước; công suất đỉnh miền Bắc đạt 23.094 MW, sản lượng điện lên tới 466 triệu kWh.
VNDirect cho rằng trong thời gian tới một số dự án trọng điểm phía Bắc cần nhanh chóng đưa vào hoạt động để đảm bảo đủ điện cho khu vực miền Bắc như Quảng Trạch I, Vũng Áng II. Dự kiến trong quý IV, nhiệt điện Vân Phong I sẽ đi vào hoạt động, củng cố hệ thống điện quốc gia.
Về triển vọng dài hạn, nhiệt điện than sẽ kém khả quan hơn khi Quy hoạch điện VIII chính thức loại bỏ 13.220 MW điện than. Ngoài ra, đối với khoảng 6.800 MW điện than đang gặp khó khăn trong thu xếp vốn thì vẫn sẽ có kế hoạch phát triển nhưng tạm đưa ra khỏi Quy hoạch điện VIII và được bù đắp bằng tỷ trọng cao hơn của nhiệt điện khí và điện gió.
“Dự kiến công suất điện than tăng trưởng kép 2% trong 2023-2030, và lần lượt chiếm 19% và 4% tỷ trọng nguồn điện cả nước trong 2030 và 2050”, VNDirect dự báo.
Điện khí dự kiến sẽ trở thành mũi nhọn
Đối với mảng điện khí, VNDirect cho biết trong quý I năm nay, một số nhà máy điện khí vẫn ghi nhận sản lượng huy động khả quan như Nhơn Trạch 2, Cà Mau 1&2 nhưng nhìn chung tổng sản lượng cả ngành vẫn giảm nhẹ do nhu cầu điện yếu đặc biệt tại các khu công nghiệp phía Nam.
Tuy nhiên bước sang quý II, bộ phận phân tích cho rằng sản lượng điện khí sẽ cải thiện trong bối cảnh sản lượng thủy điện thấp cũng như xu hướng tăng cường truyền tải điện từ Nam ra Bắc để hỗ trợ tình trạng thiếu điện.
Trong giai đoạn 2023-2024, VNDirect kỳ vọng tăng trưởng sản lượng điện khí tích cực hơn do tiêu thụ điện Việt Nam dự kiến tăng cao trợ lại, trung bình 9% trong 2023- 2030; mảng thủy điện bước vào pha El Nino kém tích cực, tạo dự địa lớn cho nhóm nhiệt điện.
Ngoài ra, tình trạng dư thừa nguồn cung ở miền Nam sẽ dần được hấp thụ bởi nhu cầu tăng nhanh trong bối cảnh tình trạng phát triển nguồn điện mới đang chậm lại. Trong khi đó, nhu cầu điện hồi phục nhóm công nghiệp – xây dựng sẽ tác động tích cực lên tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc khi nền kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Cũng trong giai đoạn 2023-2024, VNDirect dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì ở mức thấp hơn khoảng 85-80 USD/thùng, hỗ trợ giá khí giảm. Điều này sẽ giúp giá bán điện khí đang trở nên cạnh tranh hơn so với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu.
Với việc chênh lệch giá bán giữa nhiệt điện khí và nhiệt điện than đang dần được thu hẹp, bộ phận phân tích cho rằng điều này sẽ hỗ trợ một phần cho việc huy động điện khí trong bối cảnh EVN ưu tiên tối ưu hóa chi phí mua điện trong điều kiện tài chính khó khăn.
“Điện khí sẽ là thành mũi nhọn trong giai đoạn 2021-2030 với tăng trưởng kép đạt 26%, mức tăng trưởng cao nhất trong số các nguồn điện chính và chiếm 27% tổng công suất nguồn điện cả nước”, VNDirect dự báo.
Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi xanh, nhiệt điện khí cũng phải chuyển sang đốt kèm hydro sau 20 năm. Do vậy, giai đoạn 2030-2050, phát triển điện khí sẽ chậm lại với tốc độ tăng trưởng kép đạt 4% và chiếm tổng 15% tỷ trọng nguồn vào năm 2050.