|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành điện khí đứng trước bài toán giá thành cao hơn giá bán lẻ

16:23 | 27/09/2023
Chia sẻ
Điện khí là một mảng quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên ngành này đang đứng trước thách thức lớn là giá thành cao hơn giá bán lẻ.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam”, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo ở Việt Nam, trong đó có mảng điện khí.

Trong phần tham luận, ông Bùi Quốc Hùng cho biết Việt Nam có lợi thế về hạ tầng để hình thành các trung tâm nhiệt điện sử dụng LNG quy mô lớn. Hiện, các địa phương đã đề xuất phát triển khoảng 140.000 MW với khoảng 30 vị trí đề xuất trên cả nước, tập trung tại miền Trung và miền Nam. 

Việc đầu tư cho điện khí LNG sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao. Do đó, nước ta cũng đang xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các dự án LNG.

Tuy nhiên, ông Bùi Quốc Hùng cho rằng đây là một lĩnh vực mới và có nhiều thách thức khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án khí - điện, cũng như xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và tham gia vào thị trường LNG trên thế giới.

Nhiệt điện LNG là một nguồn điện mới tại Việt Nam và chưa có dự án được vận hành. Do vậy khó khăn lớn nhất là lựa chọn nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm, năng lực. Ngoài ra, Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu này nên trường hợp địa chính trị thế giới thay đổi, giá LNG có thể sẽ biến động thất thường.

“Loại khí này chiếm 70-80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam”, ông Bùi Quốc Hùng cho biết.

Trước đó tại diễn đàn "Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam", PSG. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay của nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu.

Trong khi đó, hiện vẫn chưa có khung giá phát điện của các dự án điện khí LNG. Nếu đặt trong bối cảnh giá khí có lúc lên tới 30 USD/mmBTU, giá mua điện khí sẽ cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin hiện giá LNG về Việt Nam khoảng 10-12 USD/mmBTU, cộng các chi phí tồn trữ, tái hóa, vận chuyển, giá giao tới các nhà máy tăng thêm 2 USD, tương đương 12-14 USD/mmBTU. Mức này gấp 1,5 lần giá nội địa dẫn tới tăng chi phí phát điện của các nhà máy và mua điện của EVN trong bối cảnh cân đối tài chính khó khăn.

Theo PSG. TS Ngô Trí Long, để phòng ngừa rủi ro biến động, hiện các nước phát triển thường sử dụng công cụ bảo hiểm giá (hedging) - giao dịch hàng hóa phái sinh.

Tại Việt Nam, công cụ này đã có quy định cho phép các doanh nghiệp nhiên liệu được sử dụng công cụ phái sinh theo thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh khí LNG có thể sử dụng công cụ này sẽ phòng ngừa rủi ro, tạo hiệu quả kinh doanh.

Về lâu dài, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng Chính phủ và các bộ ngành cần xây dựng các cơ chế khuyến khích khai thác các nguồn khí trong nước, đặc biệt là nguồn khí đồng hành và mỏ nhỏ, mỏ cận biên trên cơ sở tính toán hiệu quả tổng thể từ thượng nguồn đến hộ tiêu thụ, cân đối nguồn trong nước và nhập khẩu.

“Giá LNG biến động mạnh, thiếu tính ổn định nên Chính phủ và các cấp thẩm quyền cần xây dựng cơ chế về giá khí LNG bán cho các hộ tiêu thụ điện phù hợp. Đây là điều kiện căn bản để đảm bảo hiệu quả và kích thích đầu tư cho các dự án điện khí LNG trong thời gian tới”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Hoàng Anh