|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đề xuất lập tổ liên ngành gỡ khó cho điện khí, gió ngoài khơi

19:41 | 12/01/2024
Chia sẻ
Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ lập tổ công tác liên ngành gỡ vướng cho các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi kịp vận hành trước 2030.

Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô công suất 23 dự án nhà máy điện khí đưa vào vận hành đến năm 2030 là hơn 30.420 MW, trong đó có 13 nhà máy sử dụng khí LNG, chiếm 74% tổng công suất. Hiện mới có Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) đã vận hành năm 2015, một dự án đang xây dựng là Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (1.624 MW). Còn lại 18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư (23.640 MW) và 3 đang chọn nhà đầu tư (4.500 MW).

Điện gió ngoài khơi sẽ đạt khoảng 6.000 MW vào 2030, theo Quy hoạch điện VIII. Song chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao chủ đầu tư.

Bộ Công Thương lo các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi sẽ khó kịp vận hành thương mại trước 2030. Bởi, triển khai dự án điện khí LNG thường mất 7-8 năm, điện gió ngoài khơi 6-8 năm, trong khi nhiều chính sách cho hai loại nguồn điện này chưa rõ ràng.

 Ảnh: Báo Công thương.

Báo cáo gửi Thủ tướng gần đây, Bộ Công Thương nêu vướng mắc trong phát triển các dự án là "vấn đề rất mới, liên quan tới nhiều cấp có thẩm quyền, bộ ngành". Do đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng lập Tổ công tác liên ngành Chính phủ để nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, sửa đổi các quy định đồng bộ, khả thi.

Các vướng mắc trong phát triển các dự án điện khí LNG được cơ quan quản lý năng lượng nêu tại báo cáo gửi Chính phủ. Đó là, thiếu cơ sở pháp lý để đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) có cam kết bao tiêu sản lượng dài hạn, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện. Đây cũng là các lý do dự án Nhơn Trạch 3 và 4 đã xây dựng được 73% tiến độ nhưng chưa đàm phán xong, ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài có thêm yêu cầu, như áp dụng luật nước ngoài (Anh hoặc Singapore), Chính phủ bảo lãnh thanh toán và chấm dứt hợp đồng của EVN, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro liên quan đến tiến độ dự án đấu nối và truyền tải.

Bộ Công Thương cho hay, hiện không có quy định về cam kết bao tiêu sản lượng tối thiểu với các nhà máy tham gia thị trường điện. EVN và chủ đầu tư các nhà máy đàm phán, thỏa thuận sản lượng theo hợp đồng.

Tuy nhiên, việc này cũng dẫn tới trường hợp sản lượng cam kết vượt quá nhu cầu thực tế. Khi đó nhà máy sẽ không phát điện nhưng EVN vẫn phải trả tiền điện, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của tập đoàn này. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao các bộ xây dựng cơ chế tài chính cho EVN, PVN để không tạo sức ép lên giá điện và gánh nặng cho EVN.

Liên quan bảo lãnh nghĩa vụ của EVN với hợp đồng mua bán điện, theo Bộ Công Thương, đây là hợp đồng thương mại đơn thuần giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp, Chính phủ không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh này. Tức là, doanh nghiệp nhà nước phải tự chịu trách nhiệm trong phần vốn của mình như doanh nghiệp khác, theo Bộ Công Thương.

Ngoài ra, hiện không có cơ chế để Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh tỷ giá hối đoái cho nhà đầu tư. Tức là hiện thiếu cơ sở pháp lý thực hiện bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ trong dự án điện khí, báo cáo gửi Thủ tướng nêu.

Với cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện, Bộ Công Thương cho biết Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chuyển ngang giá khí sang giá điện với dự án Lô B, Cá Voi Xanh, LNG Nhơn Trạch 3 và 4. Song Chính phủ lưu ý, đàm phán bao tiêu sản lượng điện và khí tại dự án Nhơn Trạch 3 và 4 là thỏa thuận sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Do nhiều vướng mắc, thiếu cơ sở pháp lý nên cơ quan quản lý năng lượng dự tính chỉ đưa vào được thêm 6 dự án vận hành trước 2030, với tổng công suất 6.600 MW. Số này gồm các dự án trong Trung tâm điện lực Ô Môn; Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, Hiệp Phước. Các dự án còn lại chỉ vận hành trước năm 2030 nếu hoàn thành đàm phán hợp đồng mua bán điện và thu xếp vốn vay trước năm 2027. Còn dự án điện khí thuộc chuỗi khí điện Lô B, Cá Voi Xanh phụ thuộc vào tiến độ của dự án thượng nguồn là mỏ khí – Lô B.

Còn với điện gió ngoài khơi, lý do chưa có dự án nào triển khai được vì vướng loạt quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Bên cạnh đó, để các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi kịp vận hành theo Quy hoạch điện VIII, các cơ chế vướng mắc liên quan tới các luật, như Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, và các văn bản hướng dẫn, cần cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, tháo gỡ.

Cuối tháng 11, các doanh nghiệp từng kiến nghị Bộ Công Thương và cho rằng cần có nghị quyết, chủ trương của cấp có thẩm quyền về cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư khi triển khai dự án thuộc hai loại nguồn điện này.

Phương Dung

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.