Doanh nghiệp Singapore, Trung Quốc muốn mua 6 dự án điện gió
Ngày 25/12, ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết cơ quan này vừa xin ý kiến các bộ, ngành về việc doanh nghiệp đến từ Singapore, Trung Quốc muốn góp vốn, mua cổ phần vào một số dự án điện gió ở huyện miền núi Hướng Hóa.
Theo ông Trung, đây mới là đề xuất của nhà đầu tư, chứ "chưa có bất kỳ chủ trương nào" từ cơ quan chức năng.
Trước đó, Công ty Sembcorp Solar Vietnam Pte.Ltd (thuộc Tập đoàn Sembcorp, Singapore) gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Trị xin góp vốn 710 tỷ đồng vào Công ty TNHH điện gió Hướng Phùng, đơn vị đang vận hành nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 và 3.
Doanh nghiệp này cũng muốn mua 100% vốn (1.269 tỷ đồng) tại Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Quảng Trị - đơn vị vận hành nhà máy điện gió Gelex 1, 2, và 3.
5 dự án điện gió kể trên đều vận hành thương mại từ tháng 10/2021, tức được hưởng giá FIT ưu đãi 8,35 cent một kWh, trong 20 năm.
Trong khi đó, hai nhà đầu tư từ Trung Quốc muốn mua lại 50% cổ phần của dự án điện gió Amaccao Quảng Trị 1 do Công ty cổ phần điện gió Khe Sanh 9 (Tập đoàn Amaccao) làm chủ đầu tư.
Dự án có công suất 49,2 MW, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm. Dự án này đã vận hành thương mại từ cuối tháng 11/2021, tức giá mua điện ưu đãi 8,35 cent một kWh, duy trì 20 năm.
Cả 6 dự án trên được đầu tư, xây dựng tại địa phận huyện Hướng Hóa - khu vực biên giới giáp Lào, nên Sở Kế hoạch & Đầu tư đề nghị các cơ quan có ý kiến về điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua lại các dự án này.
Sở này cũng đề nghị các bộ, ngành góp ý về việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào dự án tại khu vực biên giới, như điều kiện sử dụng đất trong trường hợp dự án có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã biên giới, hoặc khu vực khác có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng.
Vài năm qua, huyện miền núi Hướng Hóa trở thành nơi thu hút đầu tư các dự án điện gió.
Hiện tại Hướng Hóa có 31 dự án điện gió, tổng công suất hơn 1.177 MW, trong đó 19 dự án đã vận hành thương mại (công suất 671 MW). Theo tính toán, mỗi năm ngân sách Quảng Trị tăng thêm gần 600 tỷ đồng khi 31 dự án này đi vào hoạt động.