Lý do Việt Nam muốn nhập khẩu điện gió từ Lào
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét chủ trương nhập khẩu điện gió từ Lào, giá 6,95 cent một kWh (tương đương 1.702 đồng một kWh) và bổ sung quy hoạch đường dây đấu nối để giảm nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc.
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, cho rằng việc nhập khẩu điện từ các nước có chung đường biên giới như Trung Quốc và Lào là "bình thường, hàng năm vẫn nhập".
Bên cạnh lợi thế về địa lý, ông Lâm nhắc tới "nhiệm vụ chính trị" giữa Việt Nam và Lào, khi nhập khẩu điện thực hiện theo Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ từ 2016, quy mô công suất tối thiểu 1.000 MW vào 2020, tăng lên gấp 3 (3.000 MW) vào 2025 và đến 2030 khoảng 5.000 MW.
Ngoài Lào, Việt Nam còn nhập khẩu điện từ Trung Quốc (từ 2005), với sản lượng từ hai nước này khoảng 1-1,5% tổng nhu cầu dùng điện cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng công suất nguồn điện (chủ yếu thủy điện) của Lào được Thủ tướng phê duyệt chủ trương nhập khẩu là 2.689 MW. Nhưng một số chủ đầu tư cho biết không bán điện tiếp và các dự án này đều vận hành sau năm 2025, nên công suất nguồn điện tại Lào được duyệt chủ trương khoảng 1.977 MW.
Tuy vậy, đại diện Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết công suất thực có thể mua được chỉ khoảng 1.300 MW, tương đương 66% chủ trương được cấp có thẩm quyền duyệt. Vì thế, ngoài thủy điện, đại diện Bộ Công Thương cho rằng có thể xem xét chấp thuận chủ trương nhập khẩu thêm các loại nguồn điện mới, như điện gió.
"Việc nhập khẩu điện từ Lào là tổng hòa các yếu tố quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế, an ninh quốc phòng khu vực biên giới giữa hai nước và đem lại lợi ích cho cả hai bên, chứ không đơn thuần chỉ phát triển điện lực", ông nói với VnExpress.
Hiện, khoảng 4.149 MW điện gió được các chủ đầu tư chào bán cho Việt Nam, đấu nối qua khu vực Quảng Trị, trong đó nhiều dự án sẽ vận hành trước 2025.
Lợi thế cạnh tranh của nhập khẩu điện gió từ Lào trước tiên là giá, 6,95 cent một kWh với các dự án điện vận hành thương mại trước 31/12/2025. Mức này cạnh tranh hơn nhiều so với các dự án trong nước vận hành trước 1/11/2021, dao động 8,5-9,8 cent một kWh, tùy loại điện gió trên đất liền hay trên biển.
Còn so với các dự án chuyển tiếp đang áp theo khung giá điện của Bộ Công Thương 6,42-7,34 cent một kWh (1.587-1.816 đồng), giá điện nhập từ Lào cao hơn.
PGS. TS Trần Văn Bình, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng mức giá điện gió của Lào là hợp lý.
Xét ở khía cạnh bài toán kinh doanh ngành điện, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng nói giá là yếu tố tiên quyết khi nhập khẩu các loại hàng hóa, gồm điện. Chưa kể các dự án điện gió của Lào có chính sách rõ ràng, tính thị trường cao.
Mặt khác, huy động điện nhập khẩu cũng là để đảm bảo năng lực truyền tải. Thiếu điện hiện nay chủ yếu ở miền Bắc, trong khi miền Trung và Nam - nơi tập trung nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) - nhu cầu sử dụng thấp, muốn chuyển điện ra phía Bắc cũng cần phù hợp mức tải của đường dây 500 kV Bắc - Nam.
"Nếu chuyển điện từ miền Nam và Trung ra miền Bắc, các vùng giáp ranh biên giới sẽ không hiệu quả do tổn thất lớn, giới hạn mức tải của lưới điện", ông Lâm phân tích.
Chia sẻ thêm, đại diện Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo cho hay một số dự án điện gió Lào nằm sát biên giới, giáp miền Bắc của Việt Nam, nên đây là nguồn điện có thể bổ sung ngay để giảm nguy cơ thiếu điện cho khu vực này tới 2025. Bởi, theo tính toán của EVN, cung ứng điện tại miền Bắc giai đoạn 2024-2030 rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện hai tháng cuối mùa khô (tháng 5-6 hàng năm) và thiếu điện từ 2025.
Cùng đó, nhập điện từ Lào, Việt Nam sẽ giảm được vốn đầu tư ban đầu, không phải có các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường xã hội trong nước với địa điểm dự án.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng việc tăng thêm cơ cấu nguồn điện tái tạo cần đặt trong bài toán cơ cấu nguồn và cân bằng lợi ích với các nhà đầu tư trong nước.
Chuyên gia Trần Văn Bình lo ngại việc bổ sung thêm điện gió - nguồn điện có tính ổn định không cao, trồi sụt - vào hệ thống điện sẽ ảnh hưởng tới cân đối cơ cấu nguồn điện. Mặt khác, nhiều dự án điện tái tạo trong nước dư thừa, chưa được huy động hết hoặc chưa thể vận hành vì vướng cơ chế.
"Nếu nhập điện gió từ Lào để giải quyết vấn đề lỗ lãi, thuần túy kinh doanh của EVN thì chấp nhận được. Nhưng đứng về chiến lược phát triển của ngành điện không ổn, dù tỷ lệ nhập chỉ vài phần trăm trong cơ cấu nguồn", ông Bình nêu quan điểm.
Cho rằng việc nhập khẩu điện là bình thường, song ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận kiến nghị EVN cần tuân thủ các hợp đồng đã ký với các chủ đầu tư điện tái tạo trong nước, đảm bảo huy động nguồn công bằng, hiệu quả. Trong khi đó, ông Vũ Đình Ánh nói mấu chốt vẫn là phải giải quyết được các trục trặc trong hiện trạng phát triển điện tái tạo của Việt Nam hiện nay.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tỷ trọng nguồn điện gió nhập từ Lào chiếm khoảng 3% tổng quy mô công suất các nguồn điện của Việt Nam đến 2030. Tỷ lệ này, theo Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo, là thấp, không ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn, an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là bài toán đầu tư hạ tầng lưới truyền tải, đấu nối để đưa điện từ Lào về Việt Nam, trong bối cảnh tài chính của EVN khó khăn.
Hiện, khả năng tiếp nhận điện từ Lào về Quảng Trị phụ thuộc lớn vào tiến độ các công trình lưới điện truyền tải khu vực này, hiện tối đa 300 MW, tương đương 12% công suất các nguồn điện từ Lào trong các tháng mùa khô của thủy điện (tháng 2-9). Thời gian còn lại trong năm, thủy điện và điện gió trong khu vực cùng phát công suất cao, sẽ gây đầy, quá tải đường dây.
Năng lực tiếp nhận, giải tỏa công suất tại đây sẽ tăng lên gấp hơn 8 lần, tối đa 2.500 MW vào 2027 khi dự án trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa và các đường dây đấu nối hoàn thành.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết các nhà đầu tư phía Lào đang đề nghị làm đường dây từ biên giới Việt - Lào tới điểm đấu nối tại Việt Nam do EVN thỏa thuận, thay vì họ chỉ đầu tư phần lưới truyền tải trên địa phận Lào.
"Đây là đề nghị hấp dẫn, có thể xem xét để giảm bớt gánh nặng đầu tư của EVN", ông nói. Nhưng khi đó giá mua điện từ Lào sẽ phải cộng thêm phần chi phí đầu tư lưới truyền tải này của nhà đầu tư, nên ông lưu ý các bên sẽ cần thương thảo để đạt được thỏa thuận tốt nhất.