|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao lợi nhuận hợp nhất quý II của Minh Phú giảm 40%?

15:46 | 12/08/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh xuất khẩu ngành tôm thuận lợi, doanh thu thuần quý II của Minh Phú tăng trưởng hai con số lên gần 4.500 tỷ đồng, biên lãi gộp cũng được cải thiện. Thế nhưng, do các chi phí tài chính, chi phí khác cùng với việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) cho thấy doanh thu thuần tăng 36% so với cùng kỳ lên 4.491 đồng.

Trừ đi giá vốn, công ty lãi gộp 892 tỷ. Biên lợi gộp cải thiện từ 17% của cùng kỳ lên 20% ở quý này.

Bên cạnh đó, Minh Phú ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm 36% về 15 tỷ, phần lớn do lãi tiền gửi ngân hàng giảm. Ngược lại, chi phí tài chính gấp 7 lần cùng kỳ, đạt 86 tỷ đồng, do chênh lệch tỷ giá và các chi phí tài chính khác.

Đồng thời, cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 390 tỷ lên 659 tỷ, tăng mạnh do chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý II của Minh Phú còn 150 tỷ đồng, giảm 40%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 152 tỷ.

Minh Phú cho biết, bên cạnh chi phí tài chính tăng so với năm ngoái, công ty còn phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi nên lợi nhuận quý vừa rồi giảm sút. Tại ngày 30/6, Minh Phú có hơn 2.000 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và phải trích lập gần 147 tỷ nợ phải thu khó đòi, trong khi quý II năm ngoái là 38 tỷ đồng. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Minh Phú ghi nhận doanh thu 8.730 tỷ đồng, lãi sau thuế 242 tỷ, lần lượt tăng 43% và giảm 13% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 21% chỉ tiêu doanh thu và 19% mục tiêu lãi sau thuế năm 2022.

 Nguồn: BCTC hợp nhất quý II/2022 của Minh Phú.

Kết quả tăng trưởng doanh thu của Minh Phú trong 6 tháng đầu năm đặt trong bối cảnh thị trường tôm trong nửa đầu năm nay khá thuận lợi khi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường Mỹ - thị trường tiêu thụ chính của Minh Phú, những tháng đầu năm nhu cầu nhập khẩu tôm tăng mạnh. Thị trường Trung Quốc cũng đang dần mở cửa trở lại và nhiều quy định phòng dịch COVID-19 được nới lỏng. Ngoài ra, thị trường EU - thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Minh Phú với tỷ trọng 11,4% đã phục hồi mạnh sau đại dịch. Các doanh nghiệp thủy sản đã đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này bất chấp chi phí vận tải tăng cao. 

Tuy nhiên, trong nửa còn lại của năm 2022, thị trường tôm được dự báo sẽ không còn “bằng phẳng”. Điều này cũng đã được ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Minh Phú dự báo tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, đó là thời tiết mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống. Đặc biệt, tình hình lạm phát ở các nước cao nên thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn.

 Sản phẩm tôm thẻ của Minh Phú được bán tại siêu thị. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Tính tới cuối quý II, tổng tài sản của Minh Phú đạt trên 10.861 tỷ đồng, tăng khoảng 1.300 tỷ so với đầu năm. Trong đó hàng tồn kho chiếm 46%, đạt 5.043 tỷ đồng, tăng khoảng 600 tỷ, đa số là thành phẩm, hàng hóa.

Tổng tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và đầu tư chứng khoán của tập đoàn hơn 1.218 tỷ, tăng 45% so với đầu năm.

Còn tổng nợ vay của tập đoàn tại cuối kỳ gần 4.150 tỷ đồng, tăng 800 tỷ, phần lớn là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng. Công ty cho biết, 6 tháng qua đã đi vay thêm 8.000 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động, xong đã trả hơn 7.100 tỷ trong kỳ. Nửa đầu năm, Minh Phú phải trả tổng cộng 29 tỷ đồng lãi vay.

Minh Hằng