Lợi nhuận các công ty thuỷ sản đã đạt đỉnh sau khi tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2022?
Xuất khẩu tôm, cá thuận lợi, loạt doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần
Trong nửa đầu năm nay nhiều doanh nghiệp thuỷ sản báo tăng trưởng mạnh nhờ thị trường thuận lợi, đặc biệt là mảng tôm và cá tra.
Với mảng cá tra, doanh nghiệp đầu ngành là Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần trong quý II tăng 80% lên 4.226 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 788 tỷ đồng. Tính chung nửa đầu năm nay, công ty đạt doanh thu gần 7.500 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 1.300 tỷ đồng tăng 81% và 241% so cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp khác cũng cũng báo lãi sau thuế quý II tăng trưởng bằng lần như CTCP Nam Việt (tăng gấp 10 lần), CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) (tăng 18 lần) hay CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (30 lần).
Các doanh nghiệp ngành tôm cũng đón nhận kết quả kinh doanh tích cực không kém. Mới đây, CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú công bố báo cáo tài chính riêng công ty mẹ trong quý II với kết quả lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
- TIN LIÊN QUAN
-
Xuất khẩu tôm chuẩn bị bước vào giai đoạn thoái trào sau nửa đầu năm 2022 bùng nổ? 21/07/2022 - 16:00
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý II đạt 196 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù doanh thu thuần giảm 7% xuống 2.701 tỷ đồng.
Cùng lúc, Sao Ta ghi nhận 1.411 tỷ đồng doanh thu thuần, 118 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 21,5% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của Sao Ta.
Những thành quả này đến từ hoạt động xuất khẩu thuỷ sản thuận lợi. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết quý II/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 634,84 nghìn tấn, trị giá 3,18 tỷ USD, tăng 15,9% về lượng và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 1,16 triệu tấn, trị giá 5,7 tỷ USD, tăng 18% về lượng và tăng 38,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tôm là mặt hàng có trị giá xuất khẩu cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 226,8 nghìn tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng 19,2% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu cá tra, basa 6 tháng đầu năm 2022 cũng đạt mức kỷ lục, đạt 491 nghìn tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 26% về lượng và tăng 82% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Lợi nhuận doanh nghiệp đạt đỉnh?
Việc tăng trưởng quá nóng trong 6 tháng đầu năm khiến nhiều người đặt ra câu hỏi “Liệu lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản đạt đỉnh hay chưa?”. Nhìn ở góc độ thị trường tiêu thụ, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại do lạm phát toàn cầu cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu.
Theo đó, tính riêng trong tháng 6, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 201,2 nghìn tấn, trị giá 1 tỷ USD, chỉ tăng 10,1% về lượng và tăng 18,8% so với tháng 6/2021.
Xuất khẩu hầu hết mặt hàng thủy sản đã có dấu hiện chậm lại trong tháng 6/2022. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 6 giảm 20% xuống khoảng 200 triệu USD, theo tính toán từ số liệu của VASEP.
Nếu so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 6 giảm tới 35%. Đồng thời đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp.
Còn với mặt hàng tôm thì đây là tháng đầu tiên trong năm ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu tôm âm sau khi liên tục tăng trưởng dương 2 con số trong 5 tháng trước đó. Cụ thể, trong tháng 6, giá trị xuất khẩu tôm giảm nhẹ 1% đạt gần 416 triệu USD.
Nhìn sang kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, việc thị trường chững lại cũng đã ảnh hưởng đến Vĩnh Hoàn khi trong tháng 6, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu trong tháng 6 giảm mạnh nhất tới 30% so với tháng 5 xuống 1.063 tỷ đồng, chủ yếu do thị trường Mỹ sụt giảm mạnh.
Còn với Nam Việt mặc dù lợi nhuận sau thuế trong quý II tăng tới 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tính riêng trong tháng 6, công ty lỗ 2 tỷ đồng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết xuất khẩu cá tra, tôm sang Mỹ trong tháng 5,6 bắt đầu chậm lại do tồn kho ở thị trường này còn cao. Trước đó, trong những tháng đầu năm, Mỹ ồ ạt nhập khẩu hàng khi quốc gia này phục hồi trở lại sau đại dịch. Bên cạnh đó, thông tin Việt Nam thiếu nguồn cung, đặc biệt là mặt hàng cá tra càng khiến thị trường này rốt ráo đặt hàng hơn.
“Có thể trong quý tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hơn so với các quý trước. Các nhà nhập khẩu nhận định tình hình tiêu thụ thủy sản nói chung, trong đó có cá tra tại Mỹ có dấu hiệu chững. Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ.”, VASEP nhận định.
VASEP cho rằng phải đến tháng 9, nhu cầu nhập hàng tại Mỹ mới có thể tăng trở lại vì thời điểm này các công ty nhập khẩu tăng cường mua hàng để phục vụ cho các dịp lễ tết cuối năm.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank nhận định giá cá tra đang giảm từ vùng đỉnh, giá cá tra nguyên liệu đã giảm từ 32.000 đồng/kg về 29.000 đồng/kg. Kết hợp thêm yếu tố lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ hay EU làm ảnh hưởng tới sức cầu tiêu thụ. Nhiều khả năng nhóm ngành thủy sản đã bước qua đỉnh của chu kỳ.
Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá bán và sản lượng xuất khẩu phi lê trong tháng 6 lần lượt giảm 10% và 20% so với tháng trước khi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đang giảm tốc dưới áp lực lạm phát và hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu đang dồi dào sau đợt nhập khẩu ồ ạt khiến các nhà nhập khẩu giảm đơn đặt hàng mới.
VDSC chỉ ra động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của Vĩnh Hoàn trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ đến từ thị trường Trung Quốc nếu nước này dỡ bỏ lệnh đóng cửa.
“Tuy nhiên, mức tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khó bù đắp cho mức giảm tại thị trường Mỹ do Mỹ là thị trường chính của Vĩnh Hoàn và giá bán tại Mỹ cao nhất trong tất cả các thị trường.
Xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang thị trường Mỹ khó có thể quay trở lại mức đỉnh của quý II/2022 ngay cả khi nhu cầu vào cuối năm có thể phục hồi. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm của Vĩnh Hoàn có thể giảm tốc so với 6 tháng đầu năm”, VDSC nhận định.
Kịch bản đối với ngành tôm cũng tương tự với cá tra khi áp lực lạm phát đang đè nặng lên người tiêu dùng.
“Nhìn chung, giá trị xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm 2022 có thể tăng chậm lại so với nửa đầu năm 2022. Trong bối cảnh đó, các công ty xuất khẩu sang thị trường EU hoặc Nhật Bản có thể duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong khi các công ty phụ thuộc vào thị trường Mỹ sẽ phải đối mặt với sự suy giảm của nhu cầu, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022”, VDSC nhận định.
VASEP lý giải lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới hành vi chi tiêu của người dân, họ sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Tôm cũng được coi là loại protein cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ của người dân có phần chững.
Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng mạnh trong những tháng đầu năm nên tồn kho còn nhiều. Những ách tắc về hậu cần như chi phí vận chuyển cao, vận chuyển chậm trễ và thiếu container kéo dài cũng dẫn đến tình trạng mua hàng dè dặt hơn.
Còn với thị trường EU mặc dù vẫn duy trì tăng trưởng dương trong tháng 6 (37%) nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong các tháng của quý 2 năm nay thấp hơn so với các tháng quý 1.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong những tháng tới sẽ tiếp tục phải chịu tác động từ lạm phát tại châu Âu, đồng EUR mất giá so với USD. Nền kinh tế các nước châu Âu cũng đang phải đối phó với khủng hoảng từ căng thẳng Nga-Ukraine, chi phí xăng dầu, giá cả hàng hóa tăng cao.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của EU những tháng tiếp theo có thể chững và được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại vào những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, VASEP lạc quan cho rằng cả năm 2022, xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng ít nhất 10% nhờ kết quả trong 6 tháng đầu năm tốt.
"Thành quả của 6 tháng đầu năm được coi như là nền tảng để ngành tăng tốc, cộng với sự linh hoạt của người nuôi tôm, sách lược thị trường phù hợp của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay dự kiến vẫn tăng trưởng ít nhất 10%, đạt khoảng 4,2 tỷ USD", VASEP nhận định.