VDSC: Dịch bệnh đe dọa tăng trưởng cuối năm nhưng dệt may sẽ sớm lấy lại phong độ
Khả năng đáp ứng đơn hàng là một lo ngại lớn
Theo báo cáo triển vọng ngành 6 tháng cuối năm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nửa cuối năm 2021 đơn hàng ngành dệt may đã dồi dào tuy nhiên khó đáp ứng.
Nguyên nhân là COVID-19 bùng phát đe dọa hoạt động sản xuất. Cụ thể, theo Chỉ thị 16, nhiều nhà sản xuất ở khu vực phía Nam đã tuân thủ theo phương án “3 tại chỗ” (sản xuất-ăn uống-nghỉ ngơi tại chỗ). Do đó khiến công suất hoạt động thấp do thiếu công nhân dẫn đến việc giao hàng trễ; sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trong nước gây ra sự đình trệ trong xuất khẩu và chi phí hoạt động tăng.
Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng mạnh ở Mỹ, các nước khu vực châu Âu và châu Á có thể làm chậm phục hồi đơn hàng trong nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, tắc nghẽn tại các cảng Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu vì 60% vải nguyên liệu được nhập khẩu từ nước này.
VDSC cho rằng khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng là một lo ngại lớn dù nhiều công ty đã có đủ đơn đặt hàng đến hết quý IV/2021.
"Nhu cầu không còn là vấn đề đáng lo ngại, thay vào đó, khả năng đáp ứng đơn hàng đúng thời hạn là một thách thức lớn. Sự đình trệ đã khiến một số thương hiệu phải hủy đơn hàng và chuyển ra khỏi Việt Nam.
Giá vải và chi phí logistic tăng cao trong khi các nhà nhập khẩu yêu cầu chất lượng ổn định, thời gian sản xuất ngắn hơn và giá bán thấp hơn, từ đó gây áp lực lên vận hành và lợi nhuận của các doanh nghiệp", VDSC cho biết.
Dù vậy, theo chuyên gia VDSC khả năng phục hồi của dệt may sẽ phụ thuộc vào tiến độ vắc xin và khả năng xử lý các đợt bùng phát COVID-19 tiếp theo.
Dựa trên kế hoạch tiêm chủng của Bộ Y tế, VDSC kỳ vọng tăng trưởng ngành sẽ trở lại mức năm 2019 vào nửa cuối năm 2022.
Bởi dệt may sẽ thích ứng với các xu hướng mới hậu COVID-19 khi các nhà sản xuất sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến quy trình vận hành, chuỗi giá trị, sản phẩm thân thiện với môi trường và xu hướng bán hàng trực tuyến để thích ứng với yêu cầu của các thương hiệu.
Bên cạnh đó, để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, một số công ty đã và đang đầu tư các dự án mới để nâng cao năng lực và hoàn thiện chuỗi giá trị.
Hơn nữa, các dự án FDI cũng sẽ giúp giải quyết phần nào quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” về lâu dài.
Do rủi ro về lao động và chi phí đầu vào trong dài hạn cũng như biên lợi nhuận thấp của ngành dệt may, nhiều công ty đang có xu hướng tái cơ cấu mô hình kinh doanh sang các mảng khác, nên VDSC cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt là đối với các công ty quy mô vừa và nhỏ nếu vấn đề nguyên liệu đầu vào chưa được giải quyết.
Khó khăn của đối thủ cạnh tranh sẽ thúc đẩy khả năng mở rộng thị phần của Việt Nam
Theo Fitch Solutions, Trung Quốc sẽ giảm hoạt động sản xuất hàng may mặc, chuyển đổi sâu và nâng cao chuỗi giá trị. Việt Nam, cùng với Bangladesh, Campuchia và Myanmar, là những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Khó khăn của đối thủ cạnh tranh sẽ thúc đẩy khả năng mở rộng thị phần của Việt Nam
Trong 6 tháng đầu năm 2021, cuộc đảo chính ở Myanmar đã làm gián đoạn đơn đặt hàng của nhiều thương hiệu (H&M, Uniqlo, Primark, Wacoal, Shimamura, Adastria, OVS, Next,...), dẫn đến việc tạm thời chuyển đơn đặt hàng sang Việt Nam.
Mặc dù một số thương hiệu đã bắt đầu nối lại các đơn đặt hàng tại Myanmar (H&M, Bestseller), nhưng theo VDSC nhiều thương hiệu sẽ dần chuyển đơn hàng sang những nơi ổn định về chính trị và Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi chính.
"Chúng tôi kỳ vọng rằng Việt Nam có thể mở rộng thị phần sang châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc - là những thị trường xuất khẩu chung của Việt Nam và Myanmar. Ngoài ra, EU đã rút lại 20% ưu đãi thuế quan EBA dành cho Campuchia, bao gồm một số sản phẩm may mặc và giày dép, qua đó tạo cơ hội cho Việt Nam giành thị phần của Campuchia tại EU", báo cáo của VDSC viết.
Bên cạnh đó, hàng may mặc, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, sẽ bắt đầu được hưởng lợi từ EVFTA từ năm 2021. Châu Âu chiếm 34% tổng nhập khẩu hàng dệt may toàn cầu trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu chỉ chiếm 4%. Tuy nhiên, khả năng tự cung cấp nguyên liệu của Việt Nam thấp do vướng mắc trong khâu dệt nhuộm nên khó đạt tiêu chuẩn “từ vải trở đi”.
EVFTA là chất xúc tác thúc đẩy đơn hàng từ châu Âu về lâu dài. Cùng với RCEP hỗ trợ ngành dệt may giảm chi phí đầu vào nhờ thuế xuất khẩu vải từ Trung Quốc giảm từ 10% xuống 2%; xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản cũng được hưởng ưu đãi thuế ngay cả khi sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc.
Thực tế, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế so với các đối thủ khác Việt Nam là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Việt Nam có lợi thế về lao động giá rẻ so với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.
So với Bangladesh và Campuchia, Việt Nam chiếm ưu thế về lao động có tay nghề cao và sản xuất sản phẩm phức tạp. Tuy nhiên, Việt Nam còn yếu trong chuỗi giá trị tích hợp, đặc biệt là điểm nghẽn từ khâu dệt nhuộm.
Chuỗi giá trị tích hợp sẽ củng cố vị thế của Việt Nam về lâu dài các công ty may mặc phải nhập khẩu hơn 65% nhu cầu đầu vào trong khi 2/3 sợi sản xuất tại Việt Nam phải xuất khẩu. Không chỉ để tận dụng các hiệp định FTA, việc làm chủ nguyên liệu đầu vào cũng sẽ giúp Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh về lâu dài.
Tuy nhiên, theo World Bank, lợi thế về lao động giá rẻ ở Việt Nam đang dần mất đi. Để duy trì vị thế của Việt Nam so với các nhà xuất khẩu khác, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị tích hợp sợi - dệt - nhuộm - may, như cách mà Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đã và đang thực hiện.