|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp hội dệt may kiến nghị bỏ thuế VAT với vải sản xuất trong nước

16:36 | 09/08/2021
Chia sẻ
VITAS cũng đề nghị sửa luật Công đoàn theo hướng doanh nghiệp nộp tối đa 1% kinh phí công đoàn thay vì 2% như hiện nay; giảm phí đường bộ, phí BOT, dừng thu phí cảng biển của Hải Phòng và TP HCM không thu phí cảng biển từ 1/10/2021 như dự kiến.

Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết VITAS đã kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phường, đề nghị Nhà nước bỏ quy định nộp thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sửa luật Công đoàn theo hướng doanh nghiệp nộp tối đa 1% kinh phí công đoàn thay vì 2% như hiện nay; giảm phí đường bộ, phí BOT, dừng thu phí cảng biển của Hải Phòng và TP HCM không thu phí cảng biển từ 1/10/2021 như dự kiến.     

Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống Ngân hàng và các tổ chức tín dụng không hạ hạn mức tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất xuống 0,5 – 1%/năm, giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.  

Đồng thời cần có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động với những thủ tục và điều kiện đơn giản nhất, nhất là hiện nay việc dừng đóng kinh phí công đoàn vẫn giữ nguyên điều kiện người lao động mất việc từ 50% trở lên làm cho doanh nghiệp không tiếp cận được.

Tại hội nghị, Chủ tịch VITAS cho biết việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến phần lớn các nhà máy may mặc tại các địa phương này phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ”. 

Doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động.  

Tại các doanh nghiệp còn hoạt động sản xuất gặp khó khăn do phải giảm 50-60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiêt lập các biện pháp phòng chống COVID-19, xét nghiệm, tiêm chủng cho người lao động. 

Doanh nghiệp phải đối với áp lực lớn là nhiều lao động đã chuyển về quê do sợ bị lây lan dịch bệnh. Chi phí vận tải và biển quốc tế tăng cao cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng theo đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp

Ngoài ra, các quy định chống dịch được thực hiện thiếu đồng loạt tại các địa phương đang gây khó cho các doanh nghiệp trong đó có ngành dệt may.

Theo đó, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch COVID-19, vừa duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng thì vấn đề khai thác nguồn vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng là vấn đề cấp bách. 

VITAS đã làm việc với Hiệp hội May Mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) và nhiều nhãn hàng, đối tác quốc tế và các hiệp hội trong nước để có thư gửi Tổng thống Biden dành ưu tiên ủng hộ vắc xin cho Việt Nam. Hiệp hội cũng đã liên kết với các hiệp hội ngành hàng khác để tìm kiếm nguồn cung vắc xin hỗ trợ.

Về việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường – hai điểm đến”, ông Giang nhấn mạnh đây chỉ có thể là giải pháp tình thế trong thời gian ngắn hạn. 

Một số doanh nghiệp đã phát hiện có F0 phải đóng cửa doanh nghiệp và rất lúng túng trong cách xử lý. Đến ngày 5/8 một số tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa ngay cả khi chưa có ca F0. 

Do đó, VITAS đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có hướng dẫn theo từng kịch bản cụ thể để các doanh nghiệp và địa phương cùng thống nhất phối hợp thực hiện.

Như Huỳnh