Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) là gì?
Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương
Khái niệm
Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương có tên đầy đủ là Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc, trong tiếng Anh là United Union Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, viết tắt là UNESCAP, hay ESCAP.
ESCAP nằm ở Bangkok, Thái Lan, là một tổ chức khu vực của Ban thư ký khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc.
Ủy ban được thành lập năm 1947 (với tên lúc đó là Ủy ban Kinh tế châu Á và Viễn Đông Liên Hiệp Quốc, tên tiếng Anh là UN Economic Commission for Asia and the Far East) để khuyến khích hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên. Tên gọi đã được đổi như hiện nay vào năm 1974. Đây là một ủy ban khu vực dưới sự chỉ đạo hành chính của trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Nguồn ngân sách
ESCAP hoạt động dựa vào nguồn ngân sách thường xuyên của Liên hợp quốc và những đóng góp tự nguyện của các nước thành viên ESCAP hay của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ
Tổ chức
ESCAP có 53 quốc gia thành viên và 9 thành viên phụ. Ngoài các quốc gia tại châu Á và Thái Bình Dương ra, ủy ban này còn bao gồm cả Pháp, Hà Lan, Anh quốc và Hoa Kỳ. Là một ủy ban lớn nhất trong 5 ủy ban khu vực của Liên Hiệp Quốc về mặt dân số và diện tích bao quát. Hoạt động dưới sự lãnh đạo chung của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).
Uỷ ban mỗi năm họp một lần. Dưới Uỷ ban có 3 ban chuyên ngành: Ban Xoá đói giảm nghèo, Ban Quản lý toàn cầu hoá và Ban về các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Đặc biệt, ESCAP có Ban Cố vấn, có nhiệm vụ đóng góp và trao đổi ý kiến với Thư ký chấp hành ESCAP về mọi mặt hoạt động và công việc của ESCAP.
Ban Thư ký là cơ quan giúp việc cho Uỷ ban thực hiện các chương trình công tác được Uỷ ban thông qua. Đứng đầu Ban Thư ký là Thư ký Chấp hành do Tổng Thư ký Liên hợp quốc bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm.
Đây là diễn đàn kinh tế - xã hội, có chức năng cung cấp các dịch vụ kinh tế - kĩ thuật - xã hội giúp cho các nước thành viên đang phát triển trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức này hoạt động dưới sự lãnh đạo chung của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc.
Vai trò
ESCAP thể hiện vai trò hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực trên 3 lĩnh vực quan trọng sau:
- Phối hợp nỗ lực chung của Liên hợp quốc cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực.
- Diễn đàn chính của các nước trong khu vực để thảo luận và trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực.
- Hỗ trợ kỹ thuật trong phát triển kinh tế-xã hội ở các nước thành viên.
Các nội dung hợp tác tại Việt Nam
Việt Nam chính thức gia nhập ESCAP từ năm 1976. Trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề ESCAP quan tâm ưu tiên cũng là những vấn đề lớn được Chính phủ ta quan tâm. Sự tương đồng này là điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành tăng cường hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của ESCAP, đặc biệt trên một số phương diện như:
- Hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội;
- Phương hướng và chính sách để tháo gỡ những khó khăn trên một lĩnh vực hay một vấn đề cụ thể;
- Nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên thông qua các khoá đào tạo, hội thảo do ESCAP tổ chức.
(Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐ-TBXH)