|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ vụ nam thanh niên người Việt tử vong tại Osaka: Văn hoá uống rượu trong kinh doanh ở Nhật Bản, dân công sở nhậu nhẹt thâu đêm, gục ngay trên phố

08:08 | 06/08/2021
Chia sẻ
Nhật Bản từng là quốc gia có tỷ lệ dân số chấp nhận việc uống rượu cao nhất thế giới vào năm 2013.

Trong vài qua, sự việc một nam thanh niên người Việt Nam tử vong tại Osaka, Nhật Bản đã làm xôn xao cộng đồng mạng. Trên mạng xã hội, có nhiều video ghi lại cảnh nạn nhân đã tham gia tiệc tùng và sử dụng đồ uống có cồn trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra.

Phía cảnh sát Nhật Bản chưa đưa ra thông báo cụ thể về vụ việc, nhưng theo các phương tiện truyền thông, có thể nói, Nhật Bản thực sự là thiên đường dành cho những người mê rượu.

Theo Gaijinpot, trong nhiều thế kỷ, rượu đã hòa vào văn hóa địa phương tại Nhật Bản. Bàn rượu là nơi mọi người có thể kết bạn, thậm chí cả làm ăn kinh doanh.

Trước đây, các ngôi chùa cổ tại Nhật đóng vai trò là nhà máy nấu rượu sake chính. Các sứ thần Trung Quốc trong quá khứ từng thốt lên rằng: "Người Nhật sử dụng nhiều loại rượu mạnh".

Nhật Bản, nơi dành cho những kẻ mê rượu: Nhậu nhẹt thâu đêm, không phân biệt giới tính hay tuổi tác, rượu là văn hóa - Ảnh 1.

Mọi người sử dụng rượu một cách phổ biến tại Nhật Bản. (Ảnh: Japan Times).

Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu ngày càng gây ra nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn nhiều nhân viên các công ty cảm thấy áp lực khi phải uống nhiều rượu với cấp trên của họ.

Những du khách tới Nhật Bản chắc hẳn quen với hình ảnh có nhiều người say rượu trên các con phố ở nước này. Rượu là một chất kích thích. Nghiện rượu là một vấn đề đối với Nhật Bản khi ngày càng có nhiều người lạm dụng nó.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số lượng người trên 15 tuổi sử dụng rượu, bia tại Nhật Bản đã tăng nhanh trong giai đoạn 1961 – 2001. Vào đầu những năm 2000, tỷ lệ nam giới sử dụng các loại đồ uống có nồng độ cao là 38,3%, với nữ giới là 10,7%.

Những con số này ngày càng gia tăng, thậm chí văn hóa uống rượu còn len lỏi vào cả những trường học với những bạn trẻ. Có tới 52,4% số lượng học sinh trung học phổ thông tại Nhật Bản sử dụng đồ uống có cồn. Điều này đã gây ra những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe như nôn mửa hay đau đầu.

Ở Nhật Bản, xã hội không thừa nhận việc nghiện rượu. Với phần lớn người trưởng thành, nghiện rượu cơ bản không tồn tại. Trên thực tế, việc nhậu nhẹt say xỉn xuyên đêm đã được bình thường hóa. Mọi người có thể dễ dàng mua rượu từ các máy bán hàng tự động, theo Psychology Today.

Charles Pomeroy, cựu Chủ tịch câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài của Nhật Bản và là cư dân sống tại Tokyo trong 45 năm cho biết: "Rượu ở đây tương tự như một chất gây bệnh tâm thần tại các nước phương Tây. Tôi nghĩ đất nước sẽ còn phát triển hơn nữa nếu không có rượu".

Trên thực tế, Nhật Bản nổi tiếng cứng rắn với các chất gây nghiện bất hợp pháp, nhưng khi nói đến các loại ma túy hợp pháp như rượu và thuốc lá, họ lại làm ngơ, theo Japan Times.

Tại Nhật Bản, rượu ở khắp mọi nơi

Đến Nhật, việc mua rượu còn dễ hơn một gói kẹo cao su. Những loại rượu mạnh được bày bán ở mọi konbini (cửa hàng tiện lợi) và những siêu thị mini. Luật pháp không đưa ra lệnh cấm, vì vậy rượu có thể được bán để uống ngay tại bất kỳ sự kiện hoặc cơ sở nào.

Việc mở một quán bia công cộng hoặc uống ngay trên phố cũng hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy, mọi người thường sử dụng rượu bia ở các bãi biển, trong công viên công cộng, trên đường tàu họ đi làm hàng ngày,…

Nhật Bản, nơi dành cho những kẻ mê rượu: Nhậu nhẹt thâu đêm, không phân biệt giới tính hay tuổi tác, rượu là văn hóa - Ảnh 3.

Rượu có mặt ở khắp mọi nơi. (Ảnh: Live Japan).

Trên thực tế, rượu sake là một phần quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng. Một số giáo phái tại Nhật thậm chí còn cho phép các nhà sư uống rượu.

Năm 2013, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu thế giới về việc chấp nhận rượu. Khoảng 66% người Nhật cho biết việc uống rượu là điều chấp nhận được. Quốc gia đứng thứ hai trong danh sách là Cộng hòa Séc với tỷ lệ 46%.

Từ các đô thị sôi động đến các thị trấn nhỏ, mọi người có thể bắt gặp các hoạt động như nomikai và nomihoudai vào mỗi đêm trong tuần. Thậm chí, ngay đến những vùng nông thôn cũng có izakaya, quán karaoke hay "quán ăn nhẹ" (một loại quán bar dành cho nữ tiếp viên) mở cửa, nơi những nhân viên công sở và sinh viên đại học có thể uống cho đến khi mặt trời mọc.

Tác động tiêu cực của rượu

Hầu hết mọi người đều quen với việc rượu gây ra những tác động tiêu cực, chẳng hạn như làm mờ mắt, giả khả năng phán đoán, buồn nôn, đau đầu và rất nhiều hệ lụy xấu khác. Một trong số những hệ lụy đáng kể có thể đề cập đến đó là việc uống rượu dễ gây ra tình trạng căng thẳng, bạo lực và nghiện ngập.

Trên thực tế, tình trạng nghiện rượu ở đa số quốc gia đang giảm, nhưng điều này lại ngược lại ở Nhật Bản. Một cuộc khảo sát vào năm 2013 do Bộ Y tế Nhật Bản thực hiện cho thấy có khoảng 1,09 triệu người nước này là những người lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn, nhưng chỉ có khoảng 40 – 50 nghìn người đang được điều trị.

Điều đáng nói là có ít người thực sự coi trọng vấn đề này. Đối với nhiều người tại Nhật Bản, nghiện rượu là một vấn đề nhỏ. Rượu được coi là thú vui, một loại thuốc hoặc thậm chí là một niềm tự hào.

Năm 2018, cuốn sách High Fashion của nhiếp ảnh gia Pawel Jaszczuk đã phản ánh chân thực tình trạng nghiện rượu ở Nhật Bản. Có rất nhiều người, bao gồm cả những nhân viên văn phòng, ăn mặc lịch sự lại ngủ ở nhiều nơi trong thành phố do say rượu.

Nỗ lực cải thiện tình hình

Để cải thiện tình hình, đã có nhiều hội nhóm được thành lập, trong đó bao gồm Zen Nihon Danshu Renmei, một nhóm giúp hỗ trợ cải thiện và phục hồi những người nghiện rượu.

Gen Otsuki, tổng thư ký của Hiệp hội kiêng rượu All Nippon cho biết: "Không nhiều người biết rằng nghiện rượu là một căn bệnh. Ai cũng có thể trở thành người nghiện rượu. Tuy nhiên, nhiều người ở Nhật Bản tin rằng đó là vấn đề về tính cách".

Higuchi, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Bộ Y tế, là chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về chứng nghiện rượu và trung tâm y tế nơi ông làm việc là cơ sở điều trị lớn nhất cả nước. Ông tin rằng hơn 1 triệu người ở Nhật Bản đang không nhận được sự điều trị mà họ cần và bệnh nhân thường chỉ đến khi họ bị bệnh rất nặng.

"Nhật Bản là một xã hội mà mọi người thúc đẩy nhau uống rượu. Tuy nhiên, một khi ai đó trở thành một con nghiện, họ sẽ bị coi thường và không dễ dàng để người đó lấy lại địa vị của mình trong xã hội sau khi bình phục", ông nói.

"Một khi trở thành người nghiện rượu, kiêng là điều bắt buộc. Bộ não sẽ luôn ghi nhớ cách uống rượu không kiểm soát. Ngay cả khi bạn tỉnh táo từ 5 đến 10 năm, bộ não vẫn sẽ ghi nhớ những điều nó rõ nhất: uống rượu".

Quốc Anh