Bia thủ công Việt Nam 'gây sốt' tại nhiều thị trường châu Á
Các loại bia thủ công Việt Nam có vị trái cây, cay nồng đang thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng ở những quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản. Những loại bia này mang đến sự khác biệt so với một số loại bia có hương vị nhẹ truyền thống.
Theo hãng tin Asia Nikkei, những lon bia đầy màu sắc từ thương hiệu Pasteur Street Brewing của Việt Nam ngày càng trở nên nổi bật trong số các sản phẩm bia tại Tasting Bar Shibataya ở Tokyo, Nhật Bản.
Daigo Honbu, quản lý của công ty điều hành quán bar Tasting Bar Shibataya cho biết: “Những sản phẩm bia thủ công này tỏ ra đặc biệt phù hợp và hoàn hảo đối với thời tiết tại Nhật Bản hiện tại”.
Pasteur Street Brewing, đơn vị được thành lập tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2014 bởi một nhóm bao gồm các nhà sản xuất bia người Mỹ, được cho là đã châm ngòi cho sự bùng nổ của ngành bia thủ công tại Việt Nam. Các loại bia của thương hiệu này có hương vị phong phú, từ hương vị của nhiều loại trái cây, gia vị cho tới hạt cà phê địa phương.
Ông Daigo Honbu cho biết: “Chúng [bia thủ công Việt Nam] không đắng như các loại bia thủ công thông thường nên dễ uống hơn”. Ông nói thêm rằng vào những ngày đẹp trời, quán bar Tasting Bar Shibataya bán được hơn 30 lon bia, chủ yếu cho những người đam mê bia thủ công và những người đã thử chúng trong các chuyến đi đến Việt Nam trước đây.
Công ty mẹ Shibata-ya Holdings bắt đầu nhập khẩu bia Pasteur từ tháng 5 và bán cho cả khách hàng mua lẻ lẫn khách hàng doanh nghiệp. “Chúng tôi đang làm điều này trên cơ sở thử nghiệm và chưa quyết định sẽ làm gì trong tương lai”, một đại diện của công ty cho biết, nhưng Shibata-ya sẽ xem xét việc tiếp tục nhập khẩu tùy thuộc vào nhu cầu.
Các nhà sản xuất bia thủ công khác của Việt Nam cũng đang hướng sự chú ý tới thị trường nước ngoài nhiều hơn. Nhà máy bia Heart of Darkness, có trụ sở tại ngoại ô TP Hồ Chí Minh, đã khai trương nhà máy bia thứ hai tại Singapore. Các loại bia thủ công của hãng, được biết đến với hương vị socola và trái cây, được xuất khẩu sang 8 quốc gia và khu vực, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Phần Lan.
Theo tập đoàn đồ uống Nhật Bản Kirin Holdings, Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn thế giới về tiêu thụ bia vào năm 2021, cao hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Các thương hiệu lớn nhất của Việt Nam có thể kể tới như Bia 333 thuộc CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) hay Bia Hà Nội thuộc Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO).
Phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam thích uống các sản phẩm bia truyền thống. Tuy nhiên, cùng với đà tăng trưởng kinh tế đất nước, thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam cũng đang ngày càng mở rộng hơn.
Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng, quán bar,… ở các thành phố lớn trên cả nước đang bán nhiều sản phẩm bia đa dạng hơn, trong đó bao gồm các loại bia thủ công, có hương vị trái cây cũng như nhiều hương vị khác.
Dù vậy, thị trường bia Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong những năm qua. Vào tháng 1/2020, Việt Nam đã tăng cường các hình phạt đối với những người lái xe có sử dụng bia, rượu và vượt quá mức nồng độ cồn cho phép.
Mức phạt tối đa đối với hành vi lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn vượt quá mức quy định đã tăng gấp đôi so với trước đây, và người vi phạm có thể đối mặt với việc bị treo bằng lái tới hai năm. Điều này đã khiến lượng tiêu thụ bia, rượu trên thị trường Việt Nam giảm đi phần nào so với trước đây.
Bên cạnh đó, sau đại dịch COVID-19, người dân tại Việt Nam ngày càng chú ý đến sức khỏe bản thân. Do đó, nhiều người đã từ bỏ thói quen uống rượu, bia và các đồ uống có cồn khác để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Trong một báo cáo khác, Kirin cho biết mức tiêu thụ bia tại Việt Nam trong năm 2021 đã giảm khoảng 5,5% so với năm liền trước. Với việc người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú ý đến sức khỏe bản thân cũng như lo ngại về các hình phạt đối với việc sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông, các nhà máy bia tại Việt Nam đang đẩy mạnh việc giới thiệu ra thị trường các dòng sản phẩm bia ít cồn và không cồn.