Công ty của đại gia Đường ‘bia’ lỗ trăm tỷ trong hai năm liên tiếp
CTCP Đường Man vừa có báo cáo tình hình tài chính định kỳ gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất malt bia, gia công cơ khí tráng phủ kim loại của ông Nguyễn Hữu Đường (thương trường gọi là đại gia Đường “bia”).
Theo website, Đường Man là nhà cung cấp malt bia chính thức cho nhiều đơn vị sản xuất bia, trong đó có Sabeco (Mã: SAB), doanh nghiệp đứng top đầu thị phần bia tại Việt Nam.
Theo báo cáo từ Đường Man, trong khoảng thời gian 2020 - 2021, công ty này liên tục thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng ở mức âm. Cụ thể, năm 2020, Đường Man lỗ sau thuế gần 92 tỷ đồng và năm 2021 lỗ thêm 51,5 tỷ đồng.
Tổng cộng trong hai năm liên tiếp theo công bố, công ty của đại gia Đường Bia lỗ gần 144 tỷ đồng.
Ngoài khoản lỗ kể trên, vốn chủ sở hữu của Đường Man cũng giảm từ gần 210 tỷ đồng năm 2020 xuống hơn 158 tỷ đồng năm 2021. Cuối năm 2021, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty này là 8,42 lần, trong đó tỷ lệ dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 1,26 lần, tương đương số dư trái phiếu cùng thời điểm gần 200 tỷ đồng.
Đây cũng là lô trái phiếu có mã DMBOND2017 phát hành 20/11/2017, kỳ hạn đáo hạn tháng 11/2024 với tổng giá trị phát hành 200 tỷ đồng.
CTCP Đường Man là thành viên của Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình Group) - nơi ông Hoàng Hữu Đường nắm 47,68% vốn.
Ông Nguyễn Hữu Đường (sinh năm 1954) vốn được biết đến là người đầu tiên mở công ty tư nhân sản xuất bia tại Hà Nội. Sau này, ông bắt đầu lấn sân vào cuộc chơi bất động sản và nhanh chóng sở hữu nhiều dự án lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng,...
Trong đó, bước ngoặt để vị đại gia đi lên từ nghề đạp xích lô rẽ hướng sang đầu tư bất động sản là năm 2004, khi TP Hà Nội giao cho doanh nghiệp hơn 5.000 m2 đất tại số 106 đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy). Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng, có tổng vốn đầu tư 26,1 triệu USD, hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào năm 2006.
Hai tòa tháp cao 22 tầng nổi, hai tầng hầm, diện tích xây dựng là 1.512 m2, tòa tháp còn có hai sân bay trên nóc hai tòa nhà.
Vào tháng 7/2015, tòa tháp quốc tế Hòa Bình từng được doanh nghiệp bán đấu giá công khai với mức giá khởi điểm là 705 tỷ đồng. Công ty TNHH quản lý BĐS An Cư thắng phiên đấu giá và chốt được mức giá 735 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, thương vụ chuyển nhượng đã không thành công do hai bên không đáp ứng được một số yêu cầu của hợp đồng chuyển nhượng.
Tại Đà Nẵng, Hòa Bình là chủ đầu tư Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng có bể bơi vô cực dát vàng trên tầng mái. Vào tháng 10/2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietLings) đã trao chứng nhận đây là bể bơi vô cực dát vàng 24K cao nhất Việt Nam (bể bơi được xây trên nóc tòa nhà 29 tầng, dát vàng phần gạch).
Ngoài ra, ông Đường còn cho xây dựng và dát vàng công viên 10 kỳ quan thu nhỏ, tái hiện những kỳ quan nổi tiếng của cả Việt Nam và thế giới như Hồ Gươm, Quảng trường Đỏ, Khải Hoàn Môn, Tháp Eiffel, Tháp nghiêng Piza,...
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Đường hiện đang sở hữu hai dự án dát vàng là Hòa Bình Green City (505 Minh Khai) và Golden Lake (7B, Giảng Võ). Ngoài ra còn một số dự án khác như Khách sạn Hòa Bình Palace (số 27 phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm) hoàn thành năm 2006; dự án Hoa Binh Green Apartment 376 đường Bưởi, quận Ba Đình),...