|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành khách sạn Nhật Bản chết lặng với 1 triệu yêu cầu huỷ phòng do kỳ Olympic không khán giả

09:00 | 25/07/2021
Chia sẻ
Những hy vọng mà ngành khách sạn Nhật Bản đặt vào Olympic trở thành nỗi thất vọng lớn khi COVID-19 bùng phát.

Từ nhân viên phục vụ và lễ tân cho đến đầu bếp và nhân viên hướng dẫn, nhân viên khách sạn ở Nhật Bản có thể sẽ có nhiều thời gian để theo dõi Olympic hơn những gì họ kỳ vọng.

Tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 do COVID-19 được ban bố cùng quyết định cấm khán giả tới xem nhiều sự kiện thể thao chính đang tạo ra một làn sóng huỷ đặt phòng khách sạn tại đất nước mặt trời mọc, theo Bloomberg

Diễn biến mới này tiếp tục gây thêm áp lực lên ngành khách sạn vốn đặt nhiều kỳ vọng vào sự kiện Olympic để làm bàn đạp phát triển, một phần nằm trong mục tiêu lớn hơn của Nhật Bản là thu hút 40 triệu khách nước ngoài tới thăm mỗi năm.

Ngành khách sạn Nhật Bản chết lặng với 1 triệu yêu cầu huỷ phòng do kỳ Olympic không khán giả - Ảnh 1.

Tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn trong Hiệp hội Khách sạn Nhật Bản hiện đạt 30%, thấp hơn nhiều so với con số 80% trước đại dịch. (Ảnh: Bloomberg)

Trong khi các chuỗi khách sạn lớn có đủ khả năng tài chính để tăng tốc trong dài hạn và chờ đợi nhu cầu thị trường tăng lên sau COVID-19, với nhiều nhà vận hành khách sạn nhỏ hơn, giấc mơ Olympic đang thử thách sức chịu đựng của họ trên thương trường trong bối cảnh tình trạng phá sản trong lĩnh vực này gia tăng.

"Chúng tôi đã hy vọng và kỳ vọng nhiều vào Olympic", bà Makiko Furusato, chủ một khách sạn chỉ nằm cách một địa điểm thi đấu chính của Olympic khoảng 15 phút di chuyển, chia sẻ. "Chúng tôi mở cửa vào tháng 10/2019 và ngay lập tức chịu ảnh hưởng vì đại dịch. Và giờ thì điều này xảy ra, đúng lúc chúng tôi hy vọng có một chút doanh thu".

Bà Makiko Furusato cùng chồng từng làm việc tại một khu nghỉ dưỡng ở phía tây Tokyo. Với họ, Olympic như một cơ hội cả đời để cả hai có thể bắt đầu khởi nghiệp với một khách sạn của riêng mình. Họ lựa chọn vị trí để xây khách sạn với định hướng rõ ràng là Olympic.

Thế nhưng thay vì hình ảnh một khách sạn đầy khách khi Olympic diễn ra, bà Makiko Furusato đang phải đối mặt với lệnh huỷ phòng hàng loạt và nhiều đối thủ hạ giá xuống chỉ còn 1/3.

"Quán bar và nhà hàng cũng đang gặp rắc rối lớn nhưng ít nhất họ nhận được một chút đền bù từ chính phủ", bà nói và bày tỏ sự tức giận khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chưa làm nhiều hơn để hỗ trợ những người như bà. "Sự tập trung không được dành cho ngành của tôi".

Quyết định cấm người đến xem nhiều buổi thi đấu thể thao có thể dẫn tới 1 triệu lượt đặt phòng hoặc dự định lưu trú tại khách sạn bị huỷ. Con số này đến từ 30% số người mua vé để xem các sự kiện thể thao có nơi ở bên ngoài Tokyo, theo bộ trưởng Olympic Seiko Hashimoto. Bà cho rằng mỗi người này đều dự tính sẽ ở lại ít nhất một đêm tại khách sạn.

"Cú sốc sẽ kích hoạt thêm nhiều làn sóng phá sản nữa", ông Hideo Kumano, một nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, chia sẻ. "Bạn không thể phủ nhận những tác động lên cảm xúc của cả quốc gia với một kỳ Olympic không có người xem".

Theo Bloomberg, chính phủ của ông Suga cũng đang đứng trước những áp lực lớn.

"Chính phủ đã can thiệp quá chậm trễ", anh Kanako Miyake, một người đã mua vé xem trận đấu bóng đá vào ngày khai mạc Olympic, chia sẻ. "Chính phủ lẽ ra cần tiêm vắc xin cho phần lớn người dân trước khi Olympic diễn ra. Họ có thể áp dụng hộ chiếc vắc xin để những người đã tiêm phòng có thể xem thi đấu".

Ông Hideo Kumano dự đoán số lượng huỷ phòng khách sạn có thể tiệm cận con số 700.000 và ảnh hưởng kinh tế ban đầu có thể lên tới 50 tỷ yên (456 triệu USD) trong khi đó ngành khách sạn lại chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ.

Ông Takahide Kiuchi, một nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura và cựu thành viên hội đồng Bank of Japan, tính toán thiệt hại của kỳ Olympic không khán giả có thể lên tới 134 tỷ yên nếu tính đến cả thiệt hại do hoàn vé và chi phí đi lại.

Ngành khách sạn đã chi 1,5 nghìn tỷ tên (13,7 tỷ USD) để nâng cấp và bổ sung cơ sở vật chất từ năm 2016 đến năm 2019, tăng 50% so với đầu tư của giai đoạn 2014 – 2016, theo Bloomberg Economics. Và COVID-19 ập đến.

Ngành khách sạn Nhật Bản chết lặng với 1 triệu yêu cầu huỷ phòng do kỳ Olympic không khán giả - Ảnh 2.

Khách nước ngoài tới thăm Nhật Bản (đơn vị: triệu người). (Nguồn: Tổ chức du lịch quốc gia Nhật Bản/Bloomberg, Đồ hoạ: Thái Sơn).

COVID-19 khiến số lượng khách sạn phá sản tăng tới 57% trong năm 2020, mức cao nhất kể từ năm 2011 (năm Nhật Bản chịu ảnh hưởng từ sóng thần và thảm hoạ hạt nhân), theo Tokyo Shoko Research. Con số nói trên có thể còn tệ hơn khi nhiều khách sạn nhỏ ở Nhật Bản chọn cách giảm dần hoạt động trước khi số nợ đủ lớn để các cơ quan chức năng ghi nhận.

Hiện tại, mức độ kín phóng của các khách sạn thành viên Hiệp hội Khách sạn Nhật Bản vẫn duy trì ở mức dưới 30%, thấp hơn nhiều so với mức 80% trước đại dịch.

Với ngành khách sạn, ông Koichiro Kakee, giám đốc Hiệp hội Khách sạn Nhật Bản nhìn nhận rằng sự hỗ trợ của chính phủ vẫn rất quan trọng, bên cạnh đó là các động thái giảm thuế bất động sản.

Dù vậy, những khách sạn có thể vận hành sau Olympic, có thể thấy ánh sáng phía cuối đường hầm khi tỷ lệ người tiêm vắc xin tăng dần. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 21,7% người dân Nhật Bản đã được tiêm vắc xin. Đến cuối tháng 9, một  nửa dân số quốc gia này có thể sẽ được tiêm phòng.

Một yếu tố then chốt có thể là phát hành hộ chiếu vắc xin mà chính quyền địa phương đã bắt đầu chấp nhận đơn xin mở vào tuần tới, theo Bloomberg.

Chính phủ cũng đang còn 1,3 nghìn tỷ yên chưa dùng trong chiến dịch khuyến mại kích cầu du lịch địa phương "Go To". Chương trình này có thể sẽ không được khởi động lại cho tới mùa thu song ngành du lịch đang ở rìa của sự trở lại.

"Một kỳ Olympic không có người xem thực sự đáng tiếc", ông Fumiko Motoya, chủ tịch APA Hotel Ltd, chia sẻ. "Dù vậy, khi COVID-19 được kiểm soát, chúng tôi hy vọng Go To sẽ khởi động lại và nhu cầu du lịch trong nước sẽ tăng mạnh".

Nam Khánh