|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Nguyễn Đình Cung: Việt Nam cần tháo bỏ các rào cản để DN trong nước bứt phá mạnh hơn, tận dụng cơ hội tốt hơn

07:17 | 01/07/2019
Chia sẻ
Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ để đối đầu với những thách thức và tận dụng cơ hội thâm nhập sâu và chuỗi giá trị toàn cầu khi thương chiến ngày càng khó lường.

Cuộc họp G20 tại Nhật Bản vừa kết thúc, dù đã có những kết quả tích cực đạt được sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng hầu hết chuyên gia kinh tế nhận định rằng bầu không khí căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chỉ tạm dịu bớt trong thời gian ngắn hạn.

Trong bài diễn thuyết "Đối đầu Trung – Mỹ và được, mất đối với chúng ta" mới đây tại chương trình Hội nghị đầu tư 2019 do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung Ương, cho rằng rất khó để đoán định bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump là người thực sự rất khó đoán. 

Mới tháng trước, vị Tổng thống Mỹ còn khuyến khích nhập khẩu hàng Việt Nam. Nhưng mới đây, ông này lại cho rằng Việt Nam "lợi dụng" Mỹ thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc. Điều này cho thấy sự khó lường của vị Tổng thống này.

Bình luận thêm về điều này, ông Frederick R. Burke, đại diện Baker & McKenzie, cũng cho rằng việc Trump viết dòng  tweet về Việt Nam đang khiến cho tình hình trở nên khó đoán. 

Ông nói: "Trong một thế giới mà hệ thống thương mại toàn cầu thì các quốc gia phải tuân thủ quy định để các bên đều có lợi ích. 

Liệu rằng các sản phẩm của Việt Nam có bị đánh thuế hay không, chẳng hạn như chiếc bàn được làm bằng thép nhập từ Trung Quốc hay không? Đó là tác động trực tiếp đối với Việt Nam".

Ai hưởng lợi? 

Cho đến nay, kể cả quan điểm của các nhà đầu tư đều cho rằng Việt Nam sẽ có lợi. Thậm chí là quốc gia có lợi nhiều nhất trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Theo TS. Cung, khi thương chiến leo thang, lực cầu dự báo cũng sẽ giảm theo. 

"Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta chưa thấy điều đó. Chúng ta hy vọng có một sự dịch chuyển đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc và của Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này đã và đang xảy ra. Đầu tư của Trung Quốc và Hong Kong đang đứng số 1 trong 6 tháng đầu năm nay, đây là hiện tượng mới.

Thương mại có dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam không? Người ta sẽ giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và tăng xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ trong đó có Việt Nam

Nếu như chỉ giảm 4% từ xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và dịch chuyển sang khu vực ASEAN thì Việt Nam có thể tăng trưởng 0,02% GDP, hưởng lợi nhiều nhất", TS nhận định.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu từ năng lực sản xuất hiện có, hơn là các khoản đầu tư mới. Hiện 75% xuất khẩu Việt Nam là khối FDI, thặng dư thương mại cũng chủ yếu từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Còn khu vực đầu tư trong nước chỉ có 25% kim ngạch xuất khẩu và nhập siêu lớn cũng từ khối này.

Theo đó, TS. Cung cho rằng nếu Việt Nam hưởng lợi thì các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hưởng lợi. Với việc Tổng thống Trump vừa đề cập, nếu có diễn ra thì đối tượng thiệt hại nhiều nhất là khối FDI, tác động tổng thể cũng sẽ rất lớn với nền kinh tế vĩ mô. 

C14A9393

TS. Nguyễn Đình Cung: "Cá nhân tôi, tôi luôn mong muốn thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam cần tháo bỏ các rào cản để các doanh nghiệp trong nước bứt phá mạnh hơn, từ đó mới có thể tận dụng cơ hội tốt hơn".

Đẩy mạnh cải cách và cẩn trọng với xuất xứ hàng hoá

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, khó mà đoán định thương chiến sẽ kết thúc như thế nào. 

"Chúng ta chỉ mong rằng Việt Nam sẽ trở thành đối tác tin cậy hơn, toàn diện hơn đối với Mỹ. Hy vọng nhân dịp này, chúng ta có thể tạo ra một số điểm nhấn với Mỹ và tận dụng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở của Mỹ để tạo điểm nhấn. 

Điều này có lợi cho hai bên và góp phần giảm bớt phần nào thâm hụt của Mỹ với Việt Nam. Điểm nhấn đó thể hiện Việt Nam mong muốn có nhiều đầu tư, nhập khẩu hơn từ Mỹ để họ thấy rằng mối quan hệ tốt đẹp hơn. 

Cá nhân tôi, tôi luôn mong muốn thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam cần tháo bỏ các rào cản để doanh nghiệp trong nước bứt phá mạnh hơn, từ đó mới có thể tận dụng cơ hội tốt hơn", TS. Cung nói.

Còn theo đại diện Baker & McKenzie, thâm hụt thương mại Mỹ - Việt Nam có thể sẽ không lớn như hiện nay khi nhìn tổng thể về dịch vụ, đầu tư, các công ty mỹ đầu tư tại Việt Nam. Dù vậy, một số quan điểm cứng rắn cho rằng Mỹ cũng sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với Việt Nam. Việt Nam phải đặc biệt lưu ý vấn đề này.

Ông cho rằng, nếu các công ty Việt Nam sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc để xuất khẩu qua Mỹ cũng sẽ gặp vấn đề. Việt Nam phải cẩn thận để không rơi vào thế khó ở giữa của cuộc chiến thương mại này.

"Nhiều người cho rằng Việt Nam được lợi như dịch chuyển thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng không để các công ty Trung Quốc đội lốt Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ sẽ làm mất uy tính của Việt Nam

Các nhà quản lý cần phải lưu ý vấn đề này. Rủi ro hàng Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá là rất lớn khi có giá thấp hơn nhiều các mặt hàng của các nước khác bao gồm cả Trung Quốc", đại diện Baker & McKenzie nói.

Theo ông Frederick R. Burke, các doanh nghiệp trong nước khi chuẩn bị ký kết hợp đồng xuất khẩu phải cân nhắc kỹ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ.

"Đừng nghĩ chúng ta có thể tận dụng được hiệp định CPTPP ngay lập tức, tất cả sản phẩm đều phải chịu chi phối của nguyên lý nguồn gốc xuất xứ. Làm sao để cân đối lượng hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam để phục vụ xuất khẩu? Đó là vấn đề lâu dài", Frederick R. Burke nhận định.

Hoàng Trung