|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơ sở hạ tầng thiếu thốn có thể ngăn cản Việt Nam hưởng trọn lợi ích từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

08:10 | 30/06/2019
Chia sẻ
Việt Nam vẫn thiếu nhiều cơ sở hạ tầng – yếu tố giúp Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Trên cả nước, các tuyến đường sắt rất thưa thớt so với Trung Quốc, và đường cao tốc cũng nhỏ hơn.

Các tập đoàn đa quốc gia đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu đã đến lúc họ chuyển dịch sản xuất ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra hay chưa. 

Làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã bắt đầu

Nhiều công ty đã đang chuyển dịch sản xuất sang một số quốc gia khác, với Việt Nam là một trong những lựa chọn. Việt Nam đang trở thành nước hưởng lợi lớn do căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, CNBC bình luận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 diễn ra tại Nhật Bản vào hôm 29/6 – nơi dư luận hi vọng hai nhà lãnh đạo sẽ tái thảo luận chủ đề thương mại vốn đang bế tắc.

Nếu hai bên không đi đến thống nhất chung, Nhà Trắng đe dọa sẽ áp đặt 25% thuế bổ sung lên khối lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc. Như vậy, về cơ bản, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc đều bị áp thuế bổ sung.   

made in VN

Việt Nam đang hưởng một số lợi ích do căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ảnh: WSJ

Vài công ty như Brooks Running – công ty con của Berkshire Hathaway, thuộc sở hữu của tỉ phú Warren Buffett - không chờ đợi để xem liệu Mỹ sẽ áp mức thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc hay không. Jim Weber – giám đốc điều hành Brooks Running - từng phát biểu vào tháng 5 rằng, Brooks sẽ chuyển sang Việt Nam vào cuối năm nay. Ông tiết lộ rằng khoảng 8.000 việc làm sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Các kế hoạch di dời như vậy làm dấy lên câu hỏi: Liệu Việt Nam có thể trở thành Trung Quốc mới? Trước cuộc gặp Trump-Tập, bài báo của phóng viên Carl Quintanilla thuộc kênh CNBC với cái nhìn về sự bùng nổ sản xuất tại Việt Nam và liệu xu hướng ấy sẽ bền vững hay không.

Cơ sở hạ tầng có thể trở thành trở ngại chính

Các doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu tìm giải pháp để đối phó với sự đổ bộ của các doanh nghiệp, với phần lớn là nhà sản xuất giày và hàng may mặc. 

Tập đoàn dệt may TNG Investment & Trading nói với Quintanilla rằng, trước kia, họ chưa từng thấy sự mở rộng như hiện nay. Năm ngoái, tập đoàn đã tuyển dụng 3.000 nhân công, nâng tổng số người lao động lên con số 15.000.

Ông Nguyễn Mạnh Linh, một nhà quản lí thuộc TNG, cho biết, tập đoàn đã phải xây dựng một khu chung cư chỉ để phục vụ những người lao động mà họ tuyển thêm. "Để phát triển kinh doanh, điều quan trọng đối với chúng tôi là xây nhà cho nhân viên, chứ không phải xây nhà máy".

Nhu cầu về kỹ năng công nghệ đang phát triển tại Việt Nam, và chính phủ đề ra mục tiêu đào tạo 2 triệu lao động tại các trường nghề.

Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, hơn 90% sinh viên trải qua đào tạo kỹ năng nghề như hàn hoặc sản xuất đồ điện tử, có thể được tuyển dụng. Ông nói với CNBC: "Người lao động có thể tìm việc rất dễ dàng, và rất nhiều doanh nghiệp cần thêm nhân sự".

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu nhiều cơ sở hạ tầng – yếu tố giúp Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.

Tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy Việt nam tới cảng biển sẽ là nhân tố chính. Trên cả nước, các tuyến đường sắt rất thưa thớt so với Trung Quốc, đường cao tốc nhỏ hơn, và đây vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp, chủ yếu tập trung vào gạo.

Việt Nam đang xây dựng một cảng biển nước sâu, giúp vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn nhưng vẫn không thể hoạt động trong vòng 3 năm tới.  

Minh Phúc