|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cảnh báo sức ép nhập siêu từ Trung Quốc

17:48 | 25/06/2019
Chia sẻ
Nhập siêu từ Trung Quốc 5 tháng đầu năm nay đã tăng tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2018, gia tăng sức ép lên cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc gia.

Nhập khẩu linh kiện điện tử tăng mạnh

Nếu như cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam xuất siêu 2,6 tỉ USD thì trong 5 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại đã xoay chiều khi Việt Nam nhập siêu 548 triệu USD. Trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,73 tỉ USD thì khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu 13,28 tỉ USD.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 101,28 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. 

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hoá của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng cao ở mức 15,2% lên 43,61 tỉ USD; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt tăng 6,9%, đạt 57,67 tỉ USD.

Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho biết,  kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 89,15 tỉ USD, chiếm phần lớn tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (chiếm 88%) và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, một số mặt hàng tăng khá mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử tăng 17,3% tăng 17,3%, đạt 19,8 tỉ USD. 

Nhóm mặt hàng thuộc diện cần kiểm soát nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm cũng tăng mạnh gần 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 7,4 tỉ USD. 

Bên cạnh ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng mạnh hơn 520% về kim ngạch, đạt 49,3 nghìn chiếc, tương đương đạt 948 triệu USD; hai nhóm mặt hàng gồm điện gia dụng, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện cũng tăng đến 10,8% lên 1,87 tỉ USD.

nktq

Thống kê một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu lớn từ Trung Quốc từ năm 2016 đến tháng 4/2019. (Nguồn số liệu: TCTK)

Sức ép kiềm chế nhập siêu 

5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 29,6 tỉ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 19,2 tỉ USD, tăng 1,1%. 

nhap siêu

Việt Nam tiếp tục gia tăng thâm hụt thương mại với Trung Quốc so với 5 tháng cùng kỳ 2018 (nguồn: Tổng Cục Thống kê, Bộ Công thương).

Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu các nguyên phụ liệu đầu vào tiếp tục tăng cho thấy hoạt động sản xuất và các đơn hàng tiếp tục diễn biến khả quan. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới cán cân thương mại của Việt Nam.

Cụ thể, hiện Trung Quốc dùng giải pháp phá giá đồng Nhân dân tệ để làm giảm tác động thực tế của thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu đến Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này thời gian tới. 

Trong trường hợp này, giá hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam. 

5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh cũng là một trong những yếu tố tạo sức ép kiềm chế nhập siêu của Việt Nam trong thời gian tới. Nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng lên 16,2 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2019, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng trong thời gian tới cần theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để có giải pháp ứng phó kịp thời trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, hàng hóa từ Trung Quốc có thể sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam để tiêu thụ với giá rẻ thậm chí gắn mác xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Diễn biến mới đây của Asanzo cũng đặt các cơ quan chức năng tỏ ra quan ngại. 

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân chỉ đạo Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo của Thủ tướng được xem là rất cần thiết bởi xuất xứ hàng hóa đang là chủ đề vô cùng nhạy cảm đối với các hàng rào thuế quan theo quy định của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang trong quá trình ký kết. Đặc biệt giữa bối cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang dấy lên lo ngại hàng Trung Quốc tuồn vào Mỹ thông qua Việt Nam sẽ để lại hậu quả nặng nề nếu Việt Nam bị Mỹ trừng phạt về thuế.

Theo các chuyên gia, với thực trạng hàng năm Việt Nam xuất siêu sang Mỹ hàng chục tỉ USD nhưng lại nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc là một điểm thực sự đề phòng. 

Theo Tổng cục Hải Quan, năm 2018, Việt Nam suất siêu 34,7 tỉ USD sang Mỹ trong khi nhập siêu 24,1 tỉ USD từ Trung Quốc; riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 16,8 tỉ USD nhưng cũng đồng thời nhập siêu 16,2 tỉ USD từ Trung Quốc.

can can thuong mai

Nhập siêu từ Trung Quốc tăng trở lại khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra (nguồn: TCTK, BTC)

Không những vậy, việc nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc dưới hình thức "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt" đang khiến môi trường trong nước ngày càng méo mó.

"Nếu cứ để các doanh nghiệp giả mạo thông tin, dùng chiêu "mượn danh" như hiện nay sẽ tiếp tục đè những người sản xuất hàng Việt thật (thông tin rõ ràng xuất xứ linh kiện, sản xuất,...), và người làm giả vẫn thắng thế người làm tử tế... Như vậy bao giờ những công ty Việt chân chính phát triển nổi?", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển bày tỏ.

Theo quan sát của TS. Đinh Thế Hiển, các doanh nghiệp nội địa khu vực sản xuất kinh doanh chưa có sự cải thiện năng lực hơn so với các doanh nghiệp ngoại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

"Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đi theo hướng sản xuất hàng giá rẻ để cạnh tranh với hàng Trung Quốc thì mãi mãi không bao giờ thắng được, vì dùng sở đoản đấu sở trường của họ", TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Theo đó, muốn cạnh tranh với hàng Trung Quốc thì Việt Nam phải đi vào sản phẩm chất lượng, và đặc biệt chú trọng nâng cao khâu chăm sóc khách hàng, điều mà hàng Trung Quốc không thể làm tốt tại Việt Nam, thì mới cạnh tranh được.

"Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã làm được là do họ chọn lựa dòng sản phẩm chất lượng hơn, dịch vụ tốt hơn. Khi đó việc đồng Nhân dân tệ có giảm cũng không ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam", TS Hiển nói.

Huy Nguyên

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.