Tổng cục Hải quan thông tin mới về vụ việc Asanzo
Sáng 6/1, liên quan tới vụ việc Asanzo, Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thông tin, Asanzo đã có ý thức khắc phục sai phạm.
Ông Cẩn cho rằng, nếu các ngành thống nhất cao và quy định rõ ràng thì vụ việc của Công ty Asanzo không đến mức nghiêm trọng như vậy. Đến nay sau khi các cơ quan chức năng công khai toàn bộ các sai phạm của DN thì DN này đã khắc phục toàn bộ những sai phạm như: Nộp đủ số thuế thiếu, hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, DN này đang hoàn thiện xây dựng nhà máy công nghệ cao.
Không chỉ Asanzo, thời gian qua Cơ quan Hải quan cũng phát hiện nhiều hàng hóa gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ Việt Nam gồm các mặt hàng thuộc Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc như than, máy móc thiết bị của nước ngoài nhưng giả mạo xuất xứ để tiêu thụ trong nước.
Điển hình như đối với mặt hàng than, cơ quan Hải quan đã điều tra, xác minh để chứng minh dấu hiệu vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhưng gặp không ít khó khăn.
Tổng cục Hải quan đã trao đổi với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xác định cách thức xử lý đối với hàng không có nguồn gốc hợp pháp, không có xuất xứ rõ ràng, tiến hành tịch thu xử lý. Đơn cử như vụ tàu than lên đến 26.000 tấn, trị giá trên 500 tỷ đồng.
Hay, nhiều hàng hóa là sợi, may mặc… khi về đến biên giới có khai báo là hàng hóa xuất xứ Trung Quốc nhưng khi kiểm tra, lực lượng Hải quan lại phát hiện có dán tem “Made in Vietnam”, nhãn mác Việt Nam, thậm chí giấy bảo hành, đơn vị sản xuất, địa chỉ sản xuất ở Việt Nam.
Mặt khác, là tình trạng hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để lợi dụng ưu đãi thuế quan. Điển hình Tổng cục Hải quan đã phối hợp với cơ quan điều tra Bộ Công an ngăn chặn Công ty nhôm Toàn cầu tại Vũng Tàu, trị giá hàng hóa lên đến 4,5 tỷ USD.
Nhóm máy móc thiết bị, lực lượng Hải quan đã bắt giữ đến 40 nghìn sản phẩm xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp trẻ em có 100% linh kiện Trung Quốc...
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu; Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có; Thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam; Duy trì tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững; Thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...