|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Công Thương: Năm 2019 dự kiến nhập siêu 3 tỉ USD

13:56 | 17/01/2019
Chia sẻ
Bộ Công Thương dự kiến năm 2019, Việt Nam nhập siêu 3 tỉ USD trong bối cảnh ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do đi vào hiệu lực.
bo cong thuong nam 2019 du kien nhap sieu 3 ti usd Những mặt hàng nào Mỹ đang nhập siêu từ Việt Nam?

Tỷ lệ nhập siêu với kim ngạch xuất khẩu 2019 dự kiến duy trì dưới 2%

Tại Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành công thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay: "Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt khoảng 265 tỉ USD, tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2018; nhập khẩu khoảng 268 tỉ USD, tăng khoảng 11,7%.

Nhập siêu ước khoảng 3 tỉ USD. Tỉ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%".

bo cong thuong nam 2019 du kien nhap sieu 3 ti usd
Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành công thương. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay, xuất khẩu năm 2019 dự kiến tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, và đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.

Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỉ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.

Những thách thức đối với xuất nhập khẩu trong năm 2019

Thứ trưởng chỉ ra xuất khẩu năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Kinh tế thế giới bất ổn, căng thẳng chính trị, chính sách tiền tệ

Kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU,... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều.

Yếu tố căng thẳng về địa chính trị và chính sách tiền tệ thắt chặt diễn ra sớm hơn dự kiến ở nhiều nền kinh tế, phản ánh tính thận trọng của các nước trước dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Cung nông sản toàn cầu tăng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe

Nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản.

Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước. Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.

Các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT). Nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...

Giá xuất khẩu nông sản 2019 dự kiến ổn định

Thứ trưởng cho hay dự báo năm 2019, giá xuất khẩu nông sản khó có khả năng tăng như năm 2017 và có xu hướng ổn định như năm 2018, do vậy, đây không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các năng lực sản xuất mới đến từ đầu tư công nghệ chế biến nông sản chưa tạo ra nhiều kỳ vọng tăng trưởng về giá và nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu.

Đối với nhiều mặt hàng nông, thủy sản, do hạn chế về diện tích đất canh tác và nuôi trồng nên khả năng tăng sản lượng là thách thức lớn nếu không đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Ảnh hưởng của thời tiết, đổi mới công nghệ

Ngoài ra, dự báo về xu hướng nắng hạn trong năm 2019 do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Về nhập khẩu, Thứ trưởng cho hay dự báo năm 2019 và các năm tiếp theo, với việc thực thi các FTA như CPTPP hay Việt Nam - EU sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ 2 thị trường lớn này.

Do vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ đang xuất siêu sang nhập siêu.

Tăng nhập khẩu dầu thô

Nhập khẩu xăng dầu sẽ giảm do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, cùng với sản lượng của nhà máy Dung Quất sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa.

Tuy vậy, Thứ trưởng nhận định nhập khẩu dầu thô năm 2019 và những năm tiếp theo sẽ tăng để phục vụ hoạt động sản xuất của các nhà máy lọc dầu.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quỳnh