|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giống cây trồng giả bán tràn lan trên Facebook, Zalo, TikTok

16:20 | 26/12/2023
Chia sẻ
Ông Trần Xuân Định, đại diện Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho rằng những hành vi bán giống cây trồng giả, kém chất lượng qua mạng đang gây rối loạn thị trường, “thật giả lẫn lộn”, nông dân không phân biệt được, còn doanh nghiệp bị mất uy tín.

Sáng 26/12, Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng Cục Trồng trọt, Văn phòng Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.

Ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam 

Tại đây, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VTSA) cho biết với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình kinh doanh qua mạng (bán hàng online), mặt hàng giống cây trồng nông nghiệp cũng không nằm ngoài vòng xoáy “số hóa”, tuy nhiên sau một thời gian đã bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng giả, hàng nhái…

Theo ông Định, một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, giao hàng đến tận nhà cho nông dân.

Các giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn như ThaiBinh Seed, Vinaseed… cũng bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu “đa cấp”. Phần lớn những nông dân vùng xa, vùng sâu, những vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân.

Hệ lụy của vấn nạn này là nông dân mua phải giống cây trồng giả, kém chất lượng, kèm theo rủi ro về sâu bệnh hại, phát sinh chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật mà không đem lại năng suất cao. Ngoài ra, ông Định cho rằng những hành vi này gây rối loạn thị trường giống, “thật giả lẫn lộn”, nông dân không phân biệt được, còn doanh nghiệp bị mất uy tín.

“Sản xuất, kinh doanh giống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định khá chặt ở các văn bản luật và hướng dẫn luật. Tuy nhiên, hình thức bán qua mạng thì chưa có những quy định cụ thể và chế tài. Đó là kẽ hở và cái khó cho công tác quản lý với giống cây trồng nói riêng và nhiều hoạt động thương mại khác nói chung”, ông Định nói.

Ông Dương Quang Sáu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed). (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Trao đổi với người viết, ông Dương Quang Sáu, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho biết bản thân tập đoàn cũng từng bị một số cá nhân nhái hình ảnh, sản phẩm sáng tạo của doanh nghiệp để kinh doanh giống qua mạng.

Đặc biệt, những loại giống được quảng cáo, bán online này không nằm trong danh mục được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành. Điều này có nghĩa hàng giả, hàng trôi nổi đang được bán công khai.

Tập đoàn đã có một số biện pháp yêu cầu những cá nhân này dừng các hành vi này. Ngoài ra trong thời gian tới, Vinaseed cũng sẽ có công văn gửi đến các cơ quan chức năng làm rõ các vụ việc này nhằm không ảnh hưởng đến nông dân và uy tín của doanh nghiệp.

Ông Dương Quang Sáu cho rằng lừa đảo bán giống cây trồng qua mạng là vấn đề rất nguy hiểm, đặc biệt khi chưa có cơ chế rõ ràng về quản lý chất lượng hàng hóa. Nếu như cơ quan quản lý và doanh nghiệp không có phản ứng kịp thời, sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Trong đó, nông dân sẽ chịu thiệt hại đầu tiên khi mua những sản phẩm kém chất lượng, sản xuất không đúng như kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro sâu bệnh, năng suất sụt giảm, mất mùa…

Theo Phó Tổng giám đốc Vinaseed, hiện tập đoàn có công khai thông tin các sản phẩm trên các kênh truyền thông của doanh nghiệp, hướng người dân đến mua hàng trực tiếp tại các đại lý, cửa hàng để được tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật.

“Khi mua giống ở các doanh nghiệp uy tín, nông dân bao giờ cũng được hưởng chế độ bảo hành. Ví dụ nông dân mua giống lúa của doanh nghiệp, trồng theo hướng dẫn, nếu canh tác 3-4 tháng nhưng hiệu quả sản xuất không đạt như cam kết, các doanh nghiệp sẽ kiểm tra và có chính sách bồi hoàn”, ông Sáu cho biết.

Ông Sáu cho biết Tập đoàn Vinaseed đã có kế hoạch phát triển các kênh bán hàng online, tuy nhiên việc triển khai còn khá thận trọng. Khi các quy định pháp lý về bán hàng qua mạng, thương mại điện tử cụ thể và chặt chẽ hơn, tập đoàn sẽ phát triển sâu hơn.

Hoàng Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.