|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Sống chung với cạnh tranh' để tận dụng cơ hội từ EVFTA

19:15 | 29/06/2019
Chia sẻ
Khi được phê chuẩn, các doanh nghiệp Việt Nam cần đạt được các yêu cầu về xuất xứ, chất lượng kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm để có thể đủ điều kiện gia nhập thị trường châu Âu theo EVFTA.

Theo Bộ Công thương, Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ được Ủy ban châu Âu kí kết với Việt Nam vào ngày 30/6 tại Hà Nội.

Đánh giá cao cơ hội lẫn thách thức của Việt Nam trước sự kiện quan trọng này, TS. Phạm Văn Chắt, Báo cáo viên Bộ Công thương, đã có buổi chia sẻ quan điểm cùng người viết.

d1666b23a42e4070193f

TS.Phạm Văn Chắt, Báo cáo viên Bộ Công thương

- Trải qua thời gian dài đàm phán, Hiệp định EVFTA sẽ được Việt Nam và EU kí kết vào ngày 30/6 tới đây, việc thông quan Hiệp định này tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

TS.Phạm Văn Chắt: Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường rộng lớn với 28 quốc gia thành viên (cả Anh) với hơn 500 triệu dân, GDP khoảng 17.000 tỉ USD, là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu.

Hiện tại, 42% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào EU đang hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, với EVFTA, hơn 70,3 % kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào EU cắt xuống 0% và theo lộ trình cắt xuống 99% số dòng thuế sẽ là "cú hích" quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. 

Về đầu tư, có 23/28 thành viên EU có dự án đầu tư tại Việt Nam với hơn 2.000 dự án, với vốn đăng kí khoảng 37 tỉ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Ngoài ra, 7 nước trong EU đã trở thành đối tác toàn diện của Việt Nam là Anh, Đức, Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Đan Mạch và một nước là đối tác chiến lược trong ứng phó với đột biến khí hậu là Hà Lan.

Do đó, EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam, quyết tâm này được ghi nhận trong chuyến thăm Bỉ và dự Hội nghị ASEM từ 19 - 21/10/2018 của Thủ tướng.

Đáng chú ý, với EVFTA, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực, nhất là ASEAN.

- Về tình hình xuất nhập khẩu, các ngành hàng nào sẽ được lợi nhiều nhất từ Hiệp định này?

TS.Phạm Văn Chắt: Khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa ngay 85,6% số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 70,3% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào EU. 

Cụ thể, sẽ cắt thuế theo lộ trình và sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. 

Còn khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, vượt hạn ngạch đánh thuế nhập theo tối huệ quốc (MFN).

Trong đó, sẽ xoá ngay thuế xuống 0% khi Hiệp định có hiệu lực đối với các hàng hóa như túi xách, vali , mũ dù, phần lớn sản phẩm nhựa, gốm sứ thủy tinh, rau củ quả thô và chế biến, nước hoa quả, mật ong.

Xóa bỏ thuế theo lộ trình trong vòng 7 năm đối với dệt may nhưng phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam hoặc Hàn Quốc, giày dép, thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), gạo tấm và sản phẩm từ gạo.

Bên cạnh đó, áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với cá ngừ đóng hộp, gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, ngô ngọt, tinh bột sắn, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tỏi.

- Tuy nhiên, những rào cản từ các cam kết liệu có là khó khăn đối với Việt Nam không? Cụ thể đó là khó khăn gì, thưa ông?

TS.Phạm Văn Chắt: Cắt thuế nhập khẩu, khả năng bảo hộ sản xuất nội địa giảm, các nước nói chung, EU nói riêng sẽ dùng các loại thuế nhập khẩu biến tướng để bảo hộ như: thuế giá trị, thuế thời vụ, thuế tự vệ, thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá. Hiện, Việt Nam đã phải đương đầu với hơn 78 vụ kiện bán phá giá từ khi gia nhập WTO.

Với EVFTA, những khó khăn, thách thức đối với các ngành hàng là không nhỏ. Đơn cử như với ngành hàng rau củ quả, để xuất khẩu vào EU phải tuân theo tiêu chuẩn thị trường đối với chất lượng của mặt hàng rau quả nằm trong Qui định (EC) 2200/96 của Ủy ban châu Âu. 

Các sản phẩm được nhập khẩu từ các nước ngoài EU phải tuân thủ những tiêu chuẩn này hoặc các tiêu chuẩn tương đương tối thiểu.

Ngoài ra, rau quả tươi và các sản phẩm chế biến rau quả chế biến sẵn, rượu, các sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nguồn gốc động vật nhập khẩu vào EU phải phù hợp với qui định về Giới hạn tồn dư tối đa thuốc trừ sâu (MRLs) được phép có trong hay trên những sản phẩm thực phẩm.

Nếu EU phát hiện có bất kì chất cấm nào trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu huỷ, đồng thời nhà cung cấp hay nước xuất khẩu có thể bị truy tố và bị áp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó vào EU trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền của EU tiến hành điều tra.

3

Châu Âu là thị trường nhiều tiềm năng của rau quả Việt.

Với thuỷ sản, các sản phẩm thuỷ sản khi nhập khẩu vào EU phải có chứng nhận chính thức của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu ngoài EU, cơ quan này được Ủy ban châu Âu công nhận. Đây là điều kiện tiên quyết đối với các nước xuất khẩu để đủ điều kiện xuất khẩu thuỷ sản sang EU.

Các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ các nước ngoài EU khi tới lãnh thổ EU phải qua chứng nhận của Trạm giám định biên giới của EU. Mỗi hàng gửi phải chịu kiểm tra tài liệu một cách hệ thống, kiểm tra tính đồng nhất và kiểm tra vật lý. 

Tần suất kiểm tra phụ thuộc vào mức độ hư hỏng sản phẩm và phụ thuộc vào kết quả của các lần kiểm tra trước. Mỗi hàng gửi mà không đạt yêu cầu quy định của EU sẽ bị hủy hoặc bị gửi trả lại.

Bên cạnh đó, Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành Qui định từ ngày 1/1/2010 đã thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU) đã tác động không nhỏ đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU.

2

Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam.

Theo quy định IUU, các quốc gia thành viên EU phải áp dụng việc xử phạt ở mức ít nhất gấp 5 lần giá trị của sản phẩm sai phạm, gấp 8 lần giá trị cho các trường hợp tái phạm trong thời gian 5 năm. Ngoài ra có thể tịch thu phương tiện vi phạm.

Thực thi luật trên, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo Việt Nam với một 'tấm thẻ vàng'. Đến nay EU vẫn chưa thu hồi thẻ vàng mặc dù Việt Nam đã cố gắng khắc phục và nhiều lần đề nghị EU rút thẻ.

Đáng lo ngại nếu Việt Nam không thực hiện sẽ dùng "thẻ đỏ", đồng nghĩa sẽ ngừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.

- Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để có thể tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA mang lại, thưa ông?

TS. Phạm Văn Chắt: Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, "sống chung với cạnh tranh", lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực, tìm và thực hiện các giải pháp, biện pháp hữu hiệu để đổi mới và phát triển.

Bên cạnh đó, chuyển mô hình doanh nghiệp từ thủ công sang điện tử và tiến đến doanh nghiệp số với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Đây là điều Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại diễn đàn Cách mạng công nghiệp 4.0 mới đây tại Hà Nội khi cho rằng cần tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, sẵn sàng và dũng cảm từ bỏ mô hình cũ để đi vào Cách mạng 4.0, nhằm thích ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.

Nguyên nhân là sự phát triển cách mạng 4.0 đang đặt ra khó khăn thách thức nhưng cũng tạo cơ hội cho các nước như Việt Nam.

Đồng thời, nắm vững, hiểu và tuân theo các qui định về qui tắc xuất xứ, minh bạch hóa nguồn gốc, nguồn nguyên liệu, sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức... đặc biệt lưu ý bảo đảm hàng xuất khẩu an toàn thâm nhập thị trường các nước EU và FTA, không để xảy ra tình trạng hàng đến nước nhập khẩu bị trả lại hoặc bị thiêu hủy.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ Phạm Văn Chắt!

Như Huỳnh