Khơi thông khối tài sản hàng trăm tỉ USD trong dân
Chính phủ đang thúc giục các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) phải tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% đã được giao. Làm sao để đạt được mục tiêu này?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề trên, TS Nguyễn Đình Cung (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: “Muốn đuổi kịp thiên hạ thì phải giữ được tăng trưởng cao ít nhất trong thời gian 30 năm. Đấy là mệnh lệnh”.
Còn nhiều dư địa để khai thác
Phóng viên: Nhưng rõ ràng tăng trưởng không phải là một mệnh lệnh hành chính. Nó tùy thuộc vào nội lực của nền kinh tế, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Chúng ta còn có nhiều cơ hội thúc đẩy những DN hiện hành mở rộng đầu tư, phát triển. Bởi hiện tại mới có khoảng 48% DN có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh, trong khi con số này những năm 2000-2006 lên tới 70%-80%.
Điều này có nghĩa là tiềm năng tăng trưởng nằm trong tầm tay của Chính phủ, chỉ cần chính sách đúng là có thể đạt 8%-9% GDP chứ không phải 6,7% mà hết sức chật vật hiện nay.
Nhưng làm gì cũng phải có tiền. Đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng cũng phải có tiền chứ, vậy tiền ở đâu ra?
Tư duy của chúng ta hiện nay chủ yếu là muốn tăng trưởng thì phải tăng đầu tư, tăng tiêu dùng. Nhưng nếu nhìn khác đi, nhất là vào khối tài sản quốc gia lâu nay đang sử dụng chưa thật sự hiệu quả thì sẽ khác. Đặc biệt nguồn lực DN nhà nước (DNNN) bây giờ không hiệu quả, do vậy phải cải thiện.
Xin nêu ví dụ: Tài sản của khối DNNN đang là 300 tỉ USD, nếu tăng được 1 điểm % sẽ thu về 3 tỉ USD, bằng 1,5 điểm % GDP. Dư địa này có thể đạt được đến 4 điểm % tăng trưởng. Tương tự ở khu vực kinh tế tư nhân với tổng tài sản ước tính 200 tỉ USD, nếu tăng được 1 điểm %, chúng ta sẽ có thêm 2 tỉ USD.
Khối tài sản này đúng là khổng lồ nhưng để khai thác được nó không đơn giản, thưa ông?
Tôi cho rằng phải tập trung cổ phần hóa DNNN. Trên thị trường chứng khoán có khoảng 800 DNNN niêm yết, hãy đem bán bớt đi. Ví dụ Sabeco, Habeco… đem bán đi chứ để làm gì. Bán chắc chắn sẽ có người mua. Nhà nước cũng từng tuyên bố không đi bán bia, sữa nữa rồi. Nếu chỉ bán 5% thôi đã thu được hơn 10 tỉ USD.
Số tiền này tập trung vào xử lý hạ tầng ở TP.HCM và vùng Đông Nam bộ. Bởi vùng này nếu chỉ tăng trưởng 1% thôi thì cả nước tăng được 0,33%.
Nhưng giải pháp này đã được đề cập từ lâu, vậy vướng mắc nằm ở đâu?
Có lẽ là yếu tố con người. Phải chọn những con người có trình độ, hiểu biết, năng lực để điều hành những tổng công ty này. Hiệu quả thì tiếp tục đảm trách điều hành, nếu không tự động bị miễn nhiệm. Nếu thực hiện cơ chế trên sẽ có những người thực sự có năng lực để đảm trách, điều hành. Như vậy thì hàng trăm tỉ USD giá trị tài sản tại DNNN sẽ tăng hiệu quả ngay.
Tôi cho rằng những giải pháp này hoàn toàn có thể đạt được dễ dàng nếu có kỷ luật tốt.
Nghiên cứu huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: HTD |
Loại bỏ rào cản vô lý
Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc khai thác hiệu quả khối tài sản khổng lồ của DNNN cũng cần khuyến khích và quyết liệt tháo rào cản cho DN tư nhân phát triển?
Ta biết hiệu suất sinh lời của khu vực tư nhân đang là 1,4%, còn DN đầu tư nước ngoài là 5,9%. Làm sao để lợi nhuận của khu vực tư nhân tăng lên? Cách đơn giản nhất là giảm chi phí cho DN.
Cụ thể, cắt giảm 1/2 hoặc 1/3 danh mục kiểm tra chuyên ngành hàng xuất nhập khẩu, từ 35% xuống còn 20%, thậm chí là 10%. Nếu chúng ta làm được điều này thì giảm được hàng tỉ USD chi phí cho DN.
Ý ông muốn nói việc giảm chi phí cho DN sẽ góp phần tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế?
Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu hàng chục ngàn trường hợp mà chỉ phát hiện ra 37 trường hợp vi phạm. Chứng tỏ là đại bộ phận DN làm ăn đàng hoàng, không có vấn đề gì. Kiểm tra nhiều mà không phát hiện sai phạm thì đáng lẽ phải bỏ đi lâu rồi chứ để làm gì.
Thế mà có trường hợp một DN ở TP.HCM một năm vẫn phải tốn mất 700 triệu đồng vì kiểm tra chuyên ngành. Như vậy nếu cắt giảm được danh mục này thì sẽ giảm được nhiều khó khăn cho DN khi họ không phải tốn thời gian, nhân lực, phí lưu kho, lưu bãi…
Thêm vào đó số liệu thống kê đã chỉ ra hiện 66% DN đang phải chi trả những chi phí không chính thức. Họ cũng đang bị nhũng nhiễu bởi các đoàn thanh tra, kiểm tra và DN càng lớn thanh tra càng nhiều. Do vậy phải loại bỏ đi thì DN mới mạnh dạn đầu tư, kinh doanh.
Thưa ông, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã được nói nhiều nhưng thực tế “cắt chỗ này lại đẻ ra chỗ kia”?
Tôi cho rằng có những điều kiện kinh doanh vô lý như nhân lực phải có bằng ĐH mới được đảm nhận vị trí này nọ hãy bỏ ngay. Chỉ có một số ngành cần phải có chứng chỉ, bằng cấp như bác sĩ, kiểm toán mà thôi. Nếu bỏ đi thì chi phí tuân thủ của DN sẽ giảm đi ngay lập tức, chi phí để kiểm tra những điều kiện này cũng lập tức mất. Cùng với nó là chi phí bôi trơn cũng giảm theo.
Những chuyện này có thể làm được ngay và hoàn toàn nằm trong tầm tay Nhà nước.
Ngoài những giải pháp ông đề cập, mới đây Chính phủ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh. Ông bình luận gì về giải pháp này?
Riêng vàng của dân bây giờ tính ra cũng hơn 250 tỉ USD. Nhưng làm sao dân có thể bỏ vốn ra? Tôi cho rằng mấu chốt là phải cải cách thực sự để dân có niềm tin, tung nguồn lực ra đầu tư, kinh doanh. Mặt khác, khi làm được như vậy, các nhà đầu tư cũng cảm thấy rằng cải cách đang thực sự diễn ra, môi trường đầu tư và nền tảng thị trường lập tức tăng lên.
Xin cám ơn ông.
Thua vì rào cảnXuất khẩu gạo của Campuchia không bị ràng buộc các điều kiện kinh doanh trong khi ta thì ngược lại. Do vậy phải loại bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý và có chế tài về trách nhiệm. Gạo Việt Nam với nhiều lợi thế như vậy mà không xuất khẩu được, không có thương hiệu thì phải xem xét trách nhiệm của Bộ Công Thương, bởi chính bộ này đặt ra những rào cản cho xuất khẩu gạo. Những điều kiện đó không nuôi dưỡng những người làm tốt và gạo Việt Nam không có thương hiệu bởi cứ đi bán gạo rẻ thì không thể có thương hiệu. Đơn giản là như vậy. Xin nói thêm công nghiệp 4.0 đã phát triển ra một hệ thống phương thức kinh doanh hoàn toàn khác. Uber, GrabTaxi là một ví dụ đang khuynh đảo taxi truyền thống. Xét cho đến cùng, taxi truyền thống thua không phải vì nội lực mà một phần vì chi phí tuân thủ các rào cản. TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG |