|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc xuất hiện tình trạng giảm phát, Mỹ có được hưởng lợi?

07:00 | 13/08/2023
Chia sẻ
Trong Mỹ và các nền kinh tế phương Tây khác đang chật vật để đẩy lạm phát xuống thấp, thì Trung Quốc lại phải đối mặt với vấn đề ngược lại khi cú sốc giảm phát xuất hiện.

 

Quầy cà chua tại một khu chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Trong khi Mỹ và các nền kinh tế lớn của phương Tây đang chật vật khống chế lạm phát, Trung Quốc lại đang đối mặt với nỗi lo giảm phát.

Hôm 9/8, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7 - lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã tụt dốc từ năm ngoái và giảm 4,4% so với cùng kỳ vào tháng 7.

Hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước yếu ớt không phải là mối lo ngại duy nhất đối với chính quyền Bắc Kinh.

Dù nền kinh tế từng nhận được cú hích sau khi chính phủ dỡ bỏ các lệnh phong toả nghiêm ngặt hồi cuối năm ngoái, giá hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc đã giảm gần 10% so với cùng kỳ - mức giảm sâu nhất trong hơn một thập kỷ.

Trong dự báo tăng trưởng toàn cầu mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang “mất đà”. IMF lưu ý rằng thị trường lao động và lĩnh vực bất động sản của nước này đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc (những người từ 16 đến 24 tuổi) đã tăng lên mức kỷ lục mới là 21,3% vào tháng 6.

Country Garden, công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, gần đây đã không thể thanh toán khoản lãi cho hai lô trái phiếu đồng USD. Đây có thể là dấu hiệu đáng báo động mới về sức khoẻ của lĩnh vực địa ốc Trung Quốc.

Sự sụt giảm của hai chỉ số CPI và PPI đã khiến giới chuyên gia nhớ đến Nhật Bản và suy đoán rằng Trung Quốc có thể cũng đang bước vào thời kỳ giảm phát kéo dài, theo Barron’s.

Song, trong trường hợp của Trung Quốc, thiệt hại có thể tồi tệ hơn do các hạn chế thương mại mà phương Tây áp đặt cũng như do gánh nặng nợ nần của doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Nhà kinh tế Edward Yardeni, Giám đốc cấp cao tại Yardeni Research, cho biết những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích tiêu dùng nội địa và giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu đã không phát huy tác dụng.

 

Những sự kiện kinh tế bắt đầu ở Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không chỉ tác động đến tăng trưởng của mỗi nước này.

Giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell nhận định: “Tình trạng giảm phát của Trung Quốc phản ánh nhu cầu tiêu dùng yếu ớt cũng như năng lực sản xuất dư thừa ở một số bộ phận của lĩnh vực sản xuất. Việc này có thể sẽ gây ảnh hưởng trên toàn thế giới”.

Ông Thierry Wizman, chiến lược gia ngoại hối và lãi suất tại Macquarie, thì cho rằng tình trạng giảm phát của Trung Quốc có thể sẽ giúp “xoa dịu những lo ngại về lạm phát của Mỹ và châu Âu”.

Theo vị chuyên gia, nhu cầu yếu của người dân Trung Quốc sẽ giảm bớt căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi giá sản xuất giảm có thể giúp người Mỹ ít tốn kém hơn khi mua hàng hoá Trung Quốc.

Song, tác động lên lạm phát của Mỹ có thể sẽ không lớn, do chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi chi phí nhà ở, thực phẩm, năng lượng và chăm sóc sức khoẻ. Các nhóm chi phí này thường không gắn liền với hàng nhập khẩu từ đất nước tỷ dân.

Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng xu hướng thiểu phát trong nhóm chi phí nhà ở sẽ là động lực thúc đẩy lạm phát tại Mỹ đi xuống trong những tháng tới.

Theo giáo sư Prasad, có nhiều lý do khác để cho rằng tình trạng giảm phát của Trung Quốc sẽ không có tác động đáng kể đến nhu cầu nội địa vẫn còn mạnh ở Mỹ, khi mà tỷ trọng hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm trong những năm gần đây.

Mexico đã thay thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành đối tác thương mại số một của Mỹ vào đầu năm nay. Tính đến tháng 4, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Mexico đạt 263 tỷ USD, theo Fed chi nhánh Dallas.

Dù vậy, điều đó không đồng nghĩa rằng giảm phát tại Trung Quốc sẽ không có ảnh hưởng gì đến Mỹ. Ông Yardeni cho biết Mỹ đã bắt đầu chứng kiến thay đổi trong chỉ số PPI. Ông nói, giữa PPI của Trung Quốc và Mỹ đối với nhóm hàng thành phẩm đã có mối tương quan “khá lớn”.

Ở cuộc trao đổi khác với Barron's, ông David Dollar - thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nhận xét rằng tại thời điểm này, cú sốc giảm phát của Trung Quốc “đáng ngại nhưng không trầm trọng”. Ông lưu ý, chỉ số CPI lõi của nước này vẫn đang tăng khoảng 1% so với cùng kỳ.

 

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.