|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Biden: Kinh tế Trung Quốc 'đang gặp rắc rối', đe doạ tăng trưởng toàn cầu

14:15 | 11/08/2023
Chia sẻ
Tổng thống Biden bày tỏ lo ngại rằng những vấn đề kinh tế và nhân khẩu học của Trung Quốc đã biến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành một “quả bom hẹn giờ”, đe doạ các nước khác.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Utah hôm 10/8. (Ảnh: Getty Images).

Tại một buổi gây quỹ chính trị vào ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ mối quan ngại rằng những vấn đề kinh tế và nhân khẩu học của Trung Quốc đã biến nước này trở thành một “quả bom hẹn giờ”, đe doạ phần còn lại của thế giới.

Cụ thể, tại thành phố Park (bang Utah), ông Biden nói “Trung Quốc đang gặp rắc rối” vì tăng trưởng chậm lại và số người trong độ tuổi nghỉ hưu đông hơn số người trong độ tuổi lao động.

“Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đang ở mức cao nhất”, ông Biden nói với các nhà tài trợ. “Vì vậy, họ có một vài rắc rối. Điều này là không tốt bởi khi người xấu gặp vấn đề, họ sẽ làm những chuyện tệ hại”.

Theo Bloomberg, đây là một trong những bình luận đáng chú ý nhất mà ông Biden từng đưa ra về đối thủ địa chính trị lớn nhất của Mỹ.  

Vị tổng thống chia sẻ thêm rằng Washington không muốn gây chiến với Bắc Kinh nhưng đang theo dõi chặt chẽ những hoạt động của nước này.

Hồi giữa tuần, chính quyền ông Biden đã công bố một sắc lệnh mà giới quan sát đã chờ đợi từ lâu. Sắc lệnh này sẽ hạn chế các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc từ đầu năm sau.

 

Vào cuối năm ngoái, khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách Zero COVID và mở cửa đất nước trở lại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được kỳ vọng là sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.

Tuy nhiên, trên thực tế, nền kinh tế trị giá 18.000 USD này đang phải đối mặt với thách thức trên diện rộng, từ chi tiêu tiêu dùng yếu ớt, xuất khẩu chững lại đến tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao và thị trường bất động sản suy sụp.

Tính chung nửa đầu năm 2023, GDP của Trung Quốc tăng 5,5% so với cùng kỳ - thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Riêng GDP quý II tăng 6,3% so với một năm trước, thấp hơn dự đoán 7,3% của các nhà kinh tế mà Reuters đã khảo sát.

Phần lớn hoạt động sản xuất trên thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này đã khiến các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia lo ngại về hiệu ứng dây chuyền đối với nền kinh tế toàn cầu.

Gần đây nhất, thị trường địa ốc - một trong những trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc - đã bị rúng động bởi những tin tức về Country Garden.

Từng là nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu, Country Garden đang có nguy cơ vỡ nợ trong bối cảnh toàn ngành gặp khó khăn về dòng tiền.

Ông lớn bất động sản trên đã bị Moody’s Investors Service hạ ba bậc xếp hạng tín nhiệm vào ngày 10/8, theo thông tin từ Bloomberg.

 

Rắc rối của nền kinh tế Trung Quốc còn xảy ra ngay thời điểm Mỹ đang nỗ lực “giảm bớt rủi ro” từ Bắc Kinh. Trong những năm gần đây, Mỹ đã cố gắng hạn chế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng như ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn.

Phía Bắc Kinh coi những nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng tại Trung Quốc là một động thái nhằm ngăn chặn và cô lập nước này khi họ đang phải đối phó với một nền kinh tế giảm tốc.

Một loạt sự việc trong những tháng qua - bao gồm vụ khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện tại Mỹ - đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Gần đây, một số quan chức cấp cao của Mỹ đã tới Bắc Kinh để làm dịu mối quan hệ song phương, bao gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken và đặc phái viên về vấn đề khí hậu John Kerry.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Gina Rainmondo cũng dự kiến sẽ đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng này. Song, theo Bloomberg, những chuyến thăm đó vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể ngoài việc hai bên đồng ý đối thoại thêm.

Khả Nhân