|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc tìm cách dẹp tục lệ đòi sính lễ đắt đỏ, tránh khủng hoảng dân số

13:09 | 09/03/2023
Chia sẻ
Nhằm thúc đẩy tỷ suất sinh, tránh khủng hoảng nhân khẩu học, Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết tục lệ sính lễ đắt đỏ trong đám cưới.

Theo Bloomberg, sính lễ là truyền thống tại một số quốc gia phương Đông, bao gồm Trung Quốc, trong đó nhà trai sẽ phải trả một khoản tiền cho nhà giá để thể hiện sự tôn trọng và sự giàu sang, cũng như bù đắp cho chi phí nuôi dạy con gái.

Theo một khảo sát được Tencent News thực hiện với 1.846 người vào năm 2020, khoảng 3/4 các cuộc hôn nhân tại Trung Quốc có tục lệ này. Nhà trai thường phải trả hàng chục nghìn USD sính lễ, cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm tại Trung Quốc. 

Nỗ lực giải quyết tục lệ trên đã được đề cập trong tài liệu về chính sách nông nghiệp trung ương của Trung Quốc năm thứ ba liên tiếp. 

Hiện tại, Bắc Kinh đang ngày càng khẩn trương xử lý vấn đề sính lễ để đảo ngược quá trình suy giảm dân số. Tốc độ suy giảm dân số cao hơn dự kiến đồng nghĩa với lực lượng lao động thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng đi xuống và áp lực ngày càng tăng lên hệ thống y tế. 

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, dân số Trung Quốc sẽ giảm còn một nửa sau khoảng 80 năm nữa.

Bắc Kinh đang yêu cầu chính quyền địa phương có những biện pháp “táo bạo và sáng tạo” nhằm khuyến khích sinh đẻ. Chi phí ngày càng đắt đỏ của hôn nhân, đặc biệt vào thời điểm tăng trưởng kinh tế chậm lại, được coi là một trong những lý do chính khiến người dân ít kết hôn và sinh con.

Vào tháng 1/2023, tỉnh Hồ Bắc bắt đầu xử lý những “hủ tục hôn nhân”, bao gồm sính lễ cũng như những trò chơi thô thiển trong đám cưới. Một quận ở tỉnh Giang Tô đã khởi động chiến dịch tìm kiếm “mẹ chồng đẹp nhất”, tức là người không đòi quá nhiều tiền sính lễ.

Vào tháng 2, một thị trấn tại Giang Tây yêu cầu phụ nữ độc thân ký cam kết không yêu cầu sính lễ quá cao. Thủ phủ Giang Xương đã tổ chức một đám cưới tập thể vào ngày Quốc tế Phụ nữ với thông điệp: “Chúng tôi muốn hạnh phúc chứ không phải của hồi môn”.

Một loạt những thay đổi chính sách gần đây phản ánh quyết tâm nâng tỷ suất sinh của Trung Quốc. Các quan chức đang tăng cường trợ cấp cho trẻ sơ sinh, nâng thời gian nghỉ phép khi kết hôn hay thậm chí nới lỏng quy định nhằm cho phép các cặp đôi chưa cưới khai sinh cho con.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng những quy định này thường mang lại lợi ích nhiều hơn cho đàn ông. Bà Feinian Chen, giáo sư xã hội học tại Đại học Johns Hopkins, nói: “Khó có hi vọng đảo ngược sự suy giảm tỷ suất sinh trừ khi những vấn đề sâu xa như bất bình đẳng giới được giải quyết”.

Với việc phụ nữ vẫn được kỳ vọng là người chăm sóc trẻ chính, “chi phí cơ hội của việc sinh đẻ là quá cao”.

Vào năm 2004, tại Trung Quốc, cứ 118 trẻ nam được sinh ra thì mới có 100 trẻ nữ. 

Tục lệ khó bỏ

Vấn đề sính lễ đắt đỏ có nguyên nhân từ chính sách một con của Trung Quốc, vốn đã đẩy nước này vào tình trạng thừa đàn ông. Sự mất cân bằng giới tính khiến gia đình nhà gái có thể yêu cầu sính lễ cao hơn. Gia đình nhà gái cũng thường phải đưa của hồi môn, tuy nhiên chính quyền không nhắm đến tục lệ này.

Tại các vùng nông thôn, nơi có tỷ lệ sinh chênh lệch lớn, vấn đề sính lễ trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Đầu năm nay, người dùng internet từ các làng quê tại 7 tỉnh đã phản ánh lên cổng thông tin của chính phủ Trung Quốc về yêu cầu tài chính quá cao của việc cưới xin.

Truyền thông nhà nước cũng đang ngày càng nhắc nhiều đến những gánh nặng hôn nhân mà các gia đình tại nông thôn Trung Quốc phải đối mặt. Các nhà chức trách đang cố gắng xóa bỏ tục lệ sính lễ đắt đỏ, tuy nhiên, việc thay đổi tâm trí người dân có thể là một thách thức.

Những người độc thân đang xem hồ sơ của đối phương trong một sự kiện mai mối tại tỉnh Sơn Đông. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images).

Bà Kailing Xie, một giảng viên về nghiên cứu giới tính tại Đại học Birmingham cho biết, những món sính lễ được coi như một phần trong “nền kinh tế đám cưới”. Nếu không có những phần quà này, mọi người thậm chí còn không có mong muốn kết hôn. Bà cho rằng chính phủ Trung Quốc đang dùng một giải pháp “chắp vá” để giải quyết vấn đề. 

Các quan chức tỉnh Phúc Kiến cho biết chiến dịch chống lại sính lễ sẽ khó khăn và kéo dài. Một quan chức địa phương ở Giang Tây cũng thừa nhận việc cấm phong tục này là không thể.

Tại một thành phố tại tỉnh Hồ Bắc, nơi bắt đầu chiến dịch xử lý sính lễ tốn kém và những hủ tục khác vào năm 2021, một quan chức thừa nhận rằng các gia đình vẫn đang tính mức sính lễ 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng).

“Không có cách nào để các quan chức tại địa phương có thể kiểm soát việc người dân thách cưới, trừ khi họ kiếm cho con tôi một người vợ”, bà Wang Ling, người có con trai bị yêu cầu trả số tiền sính lễ bằng 40 tháng lương, phàn nàn.

Bà Wang đã phải bỏ toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để giúp con trai chi trả khoản thách cưới trị giá 328.000 nhân dân tệ (hơn 1,1 tỷ đồng). 

Minh Quang