Trận chiến sẽ quyết định số phận lãnh thổ Ukraine
Trận chiến quyết định
Chia sẻ với hãng tin CNBC, ông Maximilian Hess, thành viên của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho hay: “Cỗ máy chiến tranh của Nga ‘đông tiến’ có thể nhanh chóng trở thành một mối đe dọa rất đáng sợ đối với Ukraine”.
“Rõ ràng, mục tiêu gây chiến của Nga vẫn còn khá rộng”, ông Hess tiếp lời. Vị chuyên gia nhấn mạnh, cuộc chiến ở Donbass diễn ra như thế nào “sẽ xác định Tổng thống Vladimir Putin có thể tước mất bao nhiêu phần lãnh thổ của Ukraine ở phía đông sông Dnipro”.
“Tôi nghĩ rằng việc thôn tính Ukraine rõ ràng là mục tiêu dài hạn của Putin, câu hỏi là thôn tính ở mức độ nào”, ông Hess nói thêm.
Trước đó, các quan chức Nga đã tuyên bố rằng mục tiêu chính trong giai đoạn mới của cuộc chiến là “giải phóng hoàn toàn” hai nước cộng hòa tự xứng Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia tin rằng Donbass rộng lớn - một khu vực công nghiệp hóa giàu trữ lượng than, sẽ bị Nga sáp nhập.
Moscow đã thôi thúc tâm lý ly khai tại Donbass trong suốt 8 năm qua, kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, dù nước này phủ nhận việc hậu thuẫn cho phe ly khai trong khu vực.
Cuộc tấn công của Nga ở phía đông Ukraine dường như đã bắt đầu một cách nghiêm túc từ đầu tuần này với việc các lực lượng quân sự Nga đã mở các cuộc tiến đánh vào một số khu vực. Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky nói “cuộc chiến ở Donbass” đã bắt đầu.
Đầu sáng ngày 19/4, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã tấn công hơn 1.200 mục tiêu ở Ukraine trong đêm trước và sau ngày hôm đó có rất nhiều báo cáo về việc tăng cường bắn tên lửa và pháo binh ở miền đông Ukraine.
Giới chức cho biết quân đội Nga đã giành được quyền kiểm soát Kreminna, một thành phố ở Luhansk, nơi các trận đánh trên đường phố được cho là đã diễn ra.
Sang sáng ngày 20/4, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhập tình báo rằng binh lính Ukraine đang đẩy lùi “nhiều nỗ lực tiến đánh” của Nga ở khu vực đông Donbass.
Vũ khí đã cạn kiệt
Ngày 19/4, giới lãnh đạo toàn cầu đã thảo luận về giai đoạn mới của chiến sự Nga - Ukraine trong một cuộc gọi video. Các nước hứa hẹn sẽ gửi thêm nhiều hệ thống pháo binh đến Ukraine, trong khi một số nước khác như Đức cam kết tài trợ thêm tiền để giúp Kiev mua thêm vũ khí.
Vũ khí mới đến Ukraine trong bao lâu là một vấn đề cần mổ xẻ, khi mà các chuyên gia e ngại rằng đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này có thể gặp khó khăn để tái trang bị vũ khí cho mình một cách nhanh chóng, đặc biệt là nếu Nga tăng tần suất tấn công vào các kho đạn dược của Ukraine.
Ông Sam Cranny-Evans, một nhà phân tích tại viện chính sách quốc phòng RUSI của Nga, cho biết có nhiều sự khó lường xoay quanh tiến triển trận chiến ở Donbass. Ông lưu ý thêm, mặc dù cả hai nước đều đã cạn kiệt thiết bị quân sự trong hai tháng qua, Ukraine dễ rơi vào thế yếu hơn.
“Tôi khá chắc chắn rằng cuộc chiến sẽ kéo dài rất lâu” khi hai bền đều đã chứng tỏ “sức bền” của mình, ông Cranny-Evans cho hay.
“Có một số câu hỏi xoay quanh kho đạn dược của người Ukraine và đó có thể trở thành một vân đề then chốt, đặc biệt là trong giai đoạn mở màn của các cuộc không kích hàng loạt.
Nếu không có đạn dược để bắn đáp trả thì chúng sẽ gây ra hiệu ứng tâm lý và thiệt hại vật lý nghiêm trọng cho phía Ukraine”, vị chuyên gia tiếp tục.
Song, ông Cranny-Evans lưu ý rằng Nga cũng “có thể cũng đang ở trong tình trạng khá hạn chế về nhân sự và khí tài quân sự”.
“Cho đến nay, người Nga đã tiêu tốn rất nhiều tên lửa trong cuộc chiến, sẽ rất khó để thay thế toàn bộ. Chưa kể, có một vấn đề nữa là quân đội Ukraine sẽ làm tiêu hao kho vũ khí của Nga ở Donbass tới đâu”, ông nêu rõ.
Trao đổi với CNBC, nhà phân tích của RUSI không loại trừ khả năng binh lính Ukraine có thể đẩy lùi quân Nga ở Donbass, vì họ đã cho thấy khả năng chống chọi kiên cường ở những nơi khác.
“Nếu họ có thể tổ chức và trang bị đầy đủ cho quân đội của Nga, Ukraine có thể làm được. Một số nhà phân tích lạc quan thận trọng rằng Ukraine thậm chí có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến lần này”, ông Cranny-Evans cho hay.
Ai sẽ giành chiến thắng?
Theo CNBC, lý do khiến các nhà phân tích khó đánh giá tác động của cuộc chiến ở Donbass trong toàn cảnh chiến sự là do khó đánh giá mục tiêu cuối cùng của ông Putin ở Ukraine là gì.
Ông Cranny-Evans của RUSI cho biết câu hỏi lớn vẫn là liệu, bằng cách tập trung vào sứ mệnh tự xưng là “giải phóng” Donbass, ông Putin đã từ bỏ “mục tiêu lật đổ chính quyền ở Kiev” hay đã chấp nhận một chiến thắng hạn chế ở phía đông.
Trong khi đó, Ukraine có thể phải trả giá đắt nếu thua trận Dobass và giương mắt nhìn Nga sáp nhập khu vực này. Trong mọi trường hợp, xác định kẻ thắng người thua trong cuộc chiến đều không phải công việc dễ dàng trong bối cảnh Ukraine đã bị tàn phá khủng khiếp.
“Bạn có thể nói rằng Ukraine đã chiến thắng vì đất nước này vẫn tồn tại, nhưng nếu họ mất hoàn toàn Donbass, liệu đó có còn là chiến thắng, liệu hòa bình sẽ tồn tại mãi mãi? Hay Ukraine sẽ phải chiến đấu trong suốt 10 năm tới? Đất nước Đông Âu này đang đứng trước nhiều ngưỡng cửa”, ông Cranny-Evans nói.