NHTW Nga loay hoay giữa lạm phát phi mã và tăng trưởng lao dốc
Đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng
Các lệnh trừng phạt quốc tế đang khiến kinh tế Nga gục ngã. Giữa lúc đó, các quan chức ngân hàng trung ương Nga (NHTW Nga) buộc phải gánh vác nhiệm vụ khó khăn là giải quyết hành vi tích trữ hàng tiêu dùng và sự suy yếu được báo trước trong chi tiêu của người dân cũng như loạt cú sốc về nguồn cung.
Tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước của Nga đã leo lên mức 16,7% trong tháng 3. Tuy nhiên, NHTW vẫn hạ lãi suất từ 20% xuống 17% vào đầu tháng 4 với nỗ lực hạn chế tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Đầu tuần này, Thống đốc Elvira Nabiullina thúc giục rằng các nhà hoạch định chính sách “phải có khả năng giảm lãi suất nhanh hơn”. Bà nói thêm rằng NHTW Nga sẽ không dùng mọi cách có thể để khống chế lạm phát vì điều này sẽ ngăn cản doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh tế mới.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nga đang vực dậy đồng rúp một cách giả tạo như thế nào? 29/03/2022 - 10:14
Trước đó, NHTW Nga đã tăng mạnh lãi suất từ 9,5% lên 20% vào cuối tháng 2 khi đồng ruble lao dốc kỷ lục giữa hàng loạt đòn trừng phạt của phương Tây.
Tỷ lệ lạm phát so với tháng trước của Nga trong tháng 3 đạt 7,6%, mức cao nhất kể từ năm 1999. Tuy vậy, NHTW có vẻ đang ưu tiên hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn chuyển tiếp.
Hôm 18/4, Thống đốc Nabiullina nói rằng NHTW Nga sẽ đặt mục tiêu kéo lạm phát quay về ngưỡng 4% trong năm 2024. Tuy nhiên, bà cũng ám chỉ rằng hậu quả từ các đòn trừng phạt đang bắt đầu lan từ thị trường tài chính sang nền kinh tế thực.
World Bank dự đoán GDP Nga sẽ sụt giảm 11% trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính kinh tế Nga suy giảm 8,5% trong năm 2022 và thêm 2,3% trong 2023. Hôm 18/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng chính phủ có thể cần tăng chi tiêu ngân sách để thúc đẩy thanh khoản và củng cố nền kinh tế, theo CNBC.
Trong lưu ý tuần trước, Goldman Sachs nói các xu hướng hiện tại trong nền kinh tế Nga vẫn đang tiếp diễn nhưng dữ liệu hàng tuần cho thấy lạm phát đang chậm lại một chút.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đánh giá: “Chi tiêu tiêu dùng đang tiếp tục giảm tốc và chỉ số PMI dịch vụ suy yếu đặc biệt mạnh, hơn cả chỉ số sản xuất. Nguyên nhân có lẽ là do các công ty phương Tây đã rời bỏ Nga thường tham gia vào ngành dịch vụ nhiều hơn là sản xuất.
Trong khi đó, lạm phát đang chậm lại nhưng vẫn ở mức cao, tăng gần 1% mỗi tuần. Một trong những yếu tố thúc đẩy là việc các hộ gia đình tăng cường tích trữ những mặt hàng để được lâu và đẩy nhanh kế hoạch mua hàng tiêu dùng lâu bền do lo ngại chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong tương lai vì các lệnh trừng phạt. Nhìn từ dữ liệu cảng biển, hoạt động xuất khẩu có vẻ đã gia tăng trong nửa cuối tháng 3”.
Dữ liệu lạm phát tuần trước sẽ được công bố vào ngày 20/4. Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov kỳ vọng sự gia tăng của giá tiêu dùng sẽ “chậm lại đáng kể”, theo Reuters.
Bức tranh xám xịt
Cùng với nền kinh tế sa sút, Nga cũng đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nước ngoài nếu không thể thanh toán cho trái chủ bằng USD. Thời gian ân hạn lô trái phiếu gần nhất sẽ kết thúc vào ngày 4/5, theo công ty xếp hạng Moody’s và S&P.
Ông Timothy Ash, chuyên gia cao cấp của Bluebay Asset Management cho biết GDP suy giảm 11% theo ước tính của World Bank đồng nghĩa nền kinh tế Nga sẽ hứng tổn thất khoảng 200 tỷ USD. Nhưng ông cho rằng đây chỉ là khởi đầu cho cú sốc mà Nga phải gánh chịu.
Ông nói: “Miễn là ông Putin còn nắm quyền, và vì các tội ác chiến tranh của lính Nga bị phơi bày trước thế giới, Nga vẫn sẽ bị quốc tế quay lưng trong thời gian dài”.
Vị chuyên gia tiếp tục vẽ ra viễn cảnh u ám: “Nga có thể sẽ không trả được nợ nước ngoài trong nhiều năm tới, bị cô lập với thị trường vốn quốc tế, thiếu thốn đầu tư, ngày càng bị cắt đứt khỏi thương mại và kinh doanh quốc tế. Nga sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng năng lượng và hàng hóa của phương Tây, hứng chịu suy thoái và đình trệ kinh tế. Tiêu chuẩn sống sẽ suy giảm, vốn tháo chạy và người tài sẽ bỏ đi”.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/