|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng thống Trump dùng buổi họp báo về COVID-19 để quảng cáo cho doanh nghiệp?

17:00 | 31/03/2020
Chia sẻ
Hôm 30/3, Tổng thống Trump bị cho là đã biến buổi họp báo hàng ngày về đại dịch COVID-19 tại Nhà Trắng thành chương trình quảng cáo cho các doanh nghiệp đồng minh, ngay cả khi số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt ngưỡng 160.000 người.

Hôm 30/3, tại Vườn Hồng trong khuôn viên Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã xuất hiện cùng nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có ông Mike Lindell - CEO công ty MyPillow. Theo The Guardian, ông Lindell là người thường xuyên cổ vũ cho ông Trump trong các sự kiện tranh cử.

Tổng thống Trump bị cáo buộc biến họp báo Nhà Trắng thành 'show' quảng cáo cho doanh nghiệp đồng minh - Ảnh 1.

Tổng thống Trump và "người bạn" Mike Lindell. (Ảnh: The Guardian)

Ông Trump đã ca ngợi các công ty trên, cho hay họ đã thực hiện "nghĩa vụ với đất nước" thông qua sản xuất hoặc tặng vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất của người dân Mỹ.

"Những gì họ đang làm thật tuyệt vời. Đây đúng là những doanh nghiệp tử tế", Tổng thống Donald Trump phát biểu hôm 30/3.

Tiếp đến, ông Trump mời các ông Lindell, Darius Adamczyk - CEO tập đoàn đa ngành Honeywell, Debra Waller - Chủ tịch kiêm CEO công ty kinh doanh hàng may mặc Jockey International, David Taylor - CEO tập đoàn hàng tiêu dùng P&G và Greg Hayes - Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn đa ngành United Technologies lên có bài phát biểu ngắn.

Ông Trump giới thiệu CEO Lindell là "một người bạn" và nói: "Anh bạn, có phải anh bán những cái gối đó không, việc anh đang làm thật sự đáng kinh ngạc đấy".

Sau đó, ông Lindell đứng lên bục phát biểu của tổng thống và cho hay công ty MyPillow của ông đã dành 75% công suất để sản xuất khẩu trang y tế bằng vải bông. "Đến ngày 3/4, tôi muốn sản lượng tăng lên 50.000 chiếc/ngày", ông Lindell nói, tiếp đến ông cảm ơn Tổng thống Trump vì đã "kêu gọi hành động".

Đột ngột đổi chủ đề, ông Lindell chuyển sang vận động tranh cử cho ông Trump. Ông nói: "Chúa đã ban phước lành cho nước Mỹ vào ngày 8/11/2016 để chúng ta thay đổi thời cuộc", tức đề cập đến chiến thắng của ông Trump trước đối thủ Hilary Clinton gần 4 năm trước.

The Guardian dẫn lời ông Lindell nói thêm: "Tổng thống Trump đã cho chúng ta rất nhiều hi vọng khi chỉ vài tháng trước, nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng cực kì tốt, tỉ lệ thất nghiệp thấp và mức lương của người lao động tăng lên. Thật tuyệt vời! Chúng ta sẽ vượt qua đại dịch và quay trở lại ngoạn mục, mạnh mẽ hơn và an toàn hơn bao giờ hết".

Ông Trump nói với báo giới: "Tôi không biết Mike sẽ nói những lời này, nhưng anh ấy là bạn tôi và tôi trân trọng điều đó. Cảm ơn Mike".

Buổi họp báo về đại dịch trở thành nơi ca ngợi Tổng thống

Các cuộc họp giao ban của tổ công tác phòng chống COVID-19 tại Nhà Trắng gần đây bị chê trách là nơi để Phó Tổng thống Mike Pence cùng các quan chức khác ca ngợi tài năng lãnh đạo của ông Trump. Các nhà báo thì thỉnh thoảng bị ông Trump chỉ trích là có thái độ quá tiêu cực.

Điều này tái diễn lần nữa vào ngày 30/3, khi ông Jim Acosta - phóng viên thường trú tại Nhà Trắng của hãng tin CNN, chất vấn ông Trump về một số tuyên bố mà ông từng đưa ra, trong đó khẳng định Mỹ đã "hoàn toàn kiểm soát đại dịch COVID-19" và "dịch bệnh sẽ sớm biến mất".

Tổng thống Trump vặn lại rằng đại dịch COVID-19 "sẽ biến mất" nhưng không đưa ra mốc thời cụ thể, và sau cùng dành lời khen ngợi cho nỗ lực của các quan chức dưới quyền.

Ông nói: "Việc chúng ta có thể cùng tập trung về đây với nhau gần như là một phép màu, và thay vì hỏi những câu gây khó chịu và chọc ngoáy như vậy, anh nên hỏi câu gì thực tế hơn".

Sau đó, khi được đặt câu hỏi bởi phóng viên Yamiche Alcindor của đài PBS, ông Trump lại gắt gỏng: "Anh nên nói lời chúc mừng thay vì hỏi một câu trách móc đến vậy".

Chính quyền ông Trump đã gia hạn hướng dẫn cách li xã hội đến ngày 30/4 nhằm giữ cho số ca tử vong dưới ngưỡng 100.000 người, vì các chuyên gia y tế ước tính tổng số ca tử vong tại Mỹ có thể nằm trong khoảng 100.000 - 200.000 người.

Thống đốc nhiều tiểu bang đã phàn nàn về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng máy thở, khẩu trang cùng một số thiết bị quan trọng khác.

Tuy nhiên vào hôm 30/3, ông Trump khẳng định việc sản xuất và phân phối vật tư y tế hàng loạt đang được tiến hành và nhấn mạnh về việc xây dựng bệnh viện dã chiến tại New York cùng một con tàu y tế đã cập cảng bang này.

Trong khi đó, ông Trump còn cho biết Mỹ sẽ gửi khoảng 100 triệu USD vật tư y tế đến Italy - một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Hiện tại, Mỹ là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 164.000 ca nhiễm sau khi chính phủ thất bại trong việc tiến hành xét nghiệm cho người dân ở những tuần đầu tiên khi dịch mới lan đến Mỹ, vốn là thời điểm quan trọng để kiểm soát tình hình.

Lần khác, xuất hiện trên truyền hình, ông Trump đã mở một thùng các tông có đánh dấu "COVID-19" với hình ảnh của virus, trong hộp chứa một thiết bị do Abbott sản xuất có thể xét nghiệm nhanh virus corona chủng mới chỉ trong 5 phút.

Ông Stephen Hahn, Cục trưởng Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), lúc đó nói: "Năng lực xét nghiệm COVID-19 đã tăng đáng kể sau khi chính phủ phê duyệt sản phẩm xét nghiệm tại chỗ, đặc biệt là với thiết bị của Abbott - loại mà Tổng thống Trump đã khui ra khỏi hộp".

Ông Trump nói với báo chí: "Cho đến nay đã có hơn 1 triệu người Mỹ được tiến hành xét nghiệm, nhiều hơn bất kì nước nào khác". Từ lâu, ông Trump đã đưa ra những khẳng định như vậy ngay cả khi Mỹ tụt lại so với nhiều nước, chẳng hạn như Hàn Quốc, về năng lực xét nghiệm.

Theo trang Covid-19 Tracking Project, tính đến ngày 30/3 chỉ có 945.973 người Mỹ được xét nghiệm.

"Tôi hiểu rõ Hàn Quốc hơn bất cứ ai", ông Trump lập luận. "Mật độ dân số ở đó rất đông. Bạn có biết Seoul có bao nhiêu dân không? Bạn biết Seoul lớn đến cỡ nào không? 38 triệu người đấy. Lớn hơn bất kì thành phố nào của nước Mỹ". 

Trên thực tế Seoul có chưa đầy 10 triệu dân.

Khả Nhân